Cử tri Mỹ đánh giá thế nào về năng lực điều hành kinh tế của 'bộ 3 quyền lực'?
Trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, một tỷ lệ lớn người Mỹ thiếu tin tưởng vào lãnh đạo Nhà Trắng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính nước này...
Sau 2 năm lạm phát cao ngất ngưởng, người Mỹ đã trở nên thiếu tin tưởng rằng lãnh đạo Nhà Trắng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính đang làm những điều đúng đắn cho nền kinh tế - theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến được viện Gallup công bố ngày 9/5.
Dẫn cuộc khảo sát trên, hãng tin CNN cho biết chỉ 35% người Mỹ được hỏi cho biết họ có sự tin tưởng ở “mức cao” hoặc “tương đối cao” rằng Tổng thống Joe Biden đang làm điều đúng đắn cho nền kinh tế. Theo Gallup, tỷ lệ này gần ở mức đáy về tín nhiệm kinh tế đối với các đời tổng thống Mỹ, cụ thể là mức 34% dành cho Tổng thống George W. Bush hồi năm 2008 - thời điểm của khủng hoảng tài chính và suy thoái.
Cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp lịch sử, gần một nửa (48%) người Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ gần như không có niềm tin vào năng lực điều hành kinh tế của ông Biden.
Niềm tin vào các nhà lãnh đạo thường có xu hướng tăng và giảm theo tình trạng của nền kinh tế. Cuộc chiến chống lạm phát của Fed hiện nay gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người Mỹ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - một nhân vật Cộng hòa ban đầu được đề cử vào cương vị này thời Tổng thống Donald Trump - cũng không có được kết quả khả quan hơn trong cuộc khảo sát. Chỉ 36% người Mỹ được thăm dò ý kiến nói họ tin tưởng vào ông Powell trong vấn đề điều hành kinh tế. Đây là mức đáy tín nhiệm mới của ông Powell trong nhiệm kỳ cầm quyền 6 năm tại ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. 28% nói hầu như không tin tưởng gì vào năng lực điều hành kinh tế của ông Powell.
Tương tự, cuộc khảo sát của Gallup cho kết quả chỉ 37% người được thăm dò nói họ tin tưởng vào sự điều hành kinh tế của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trần nợ Mỹ, các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này cũng giành “điểm số” đáng thất vọng trong lần khảo sát này. Chỉ 34% người được khảo sát bày tỏ tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, 38% tin tưởng các nhà làm luật đến từ Đảng Cộng hòa.
Được tiến hành từ ngày 3/4-25/4, cuộc khảo sát cho thấy người dân Mỹ tiếp tục lo ngại về lạm phát cao, cho dù thị trường lao động của nước này đang vững mạnh một cách đáng ngạc nhiên.
Tháng 4 vừa qua, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 253.000 công việc mới, một con số vượt xa dự báo, và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1969. Trong khi đó, lạm phát - dù đã hạ nhiệt từ đỉnh 41 năm vào mùa hè năm ngoái - vẫn là một mối quan ngại lớn vì tốc độ giảm khá chậm chạp.
“Mọi người lo lắng rằng lạm phát vẫn chưa kết thúc và sẽ duy trì ở mức tương đối cao. Tôi cho rằng nhiều người đang nghĩ các chính trị gia thiếu năng lực điều hành kinh tế. Đang có một cảm giác rằng Washington không thể giải quyết được nỗi lo lạm phát”, ông Greg Valliere - trưởng chiến lược chính sách Mỹ tại AGF Investments - nhận định.
“Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái trong năm nay, niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế cải thiện và tránh được suy thoái, niềm tin của người Mỹ sẽ phục hồi”.
Gallup
Dưới sự lãnh đạo của ông Powell, Fed đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ban đầu, Fed bị cho là không giải quyết được lạm phát cao, và sau đó, Fed bị cho là phản ứng quá mạnh mẽ đến mức có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tuần trước, Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ 10 liên tiếp, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. “Tôi và các đồng nghiệp hiểu những khó khăn mà lạm phát cao đang gây ra, và chúng tôi vẫn cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của chúng tôi”, ông Powell nói trong một cuộc họp báo vào hôm 3/5, khi ông ám chỉ về khả năng tạm dừng tăng lãi suất.
Nhà đầu tư, tỷ phú David Rubenstein, người đồng sáng lập và đồng chủ tịch của Carlyle Group, đã lên tiếng bảo vệ thành tích công việc của ông Powell ở cương vị Chủ tịch Fed.
“Ông ấy đã làm tốt nhất có thể. Không thể coi lạm phát cao là lỗi của ông ấy, khi mà đã có 5 nghìn tỷ USD được bơm vào nền kinh tế bởi chính quyền ông Trump và ông Biden. Lạm phát là tất yếu”, ông Rubenstein nói.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed hiện nay cũng gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người Mỹ. Lãi suất cho vay mua ô tô ở bước này đã tăng lên mức cao nhất 13 năm còn lãi suất vay qua thẻ tín dụng đang cao kỷ lục. Cùng với đó, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo việc Fed tăng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Gallup lưu ý rằng niềm tin vào các nhà lãnh đạo thường có xu hướng tăng và giảm theo tình trạng của nền kinh tế. “Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái trong năm nay, niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế cải thiện và tránh được suy thoái, niềm tin của người Mỹ sẽ phục hồi”, Gallup nhận định.