Cử tri nêu băn khoăn về tên Thành phố Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận
Cử tri đồng tình với chủ trương sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức thành một đơn vị hành chính mới. Chủ trương này thể hiện tầm nhìn, chiến lược và trách nhiệm trong sự phát triển của TPHCM, vì cả nước, cùng cả nước. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn nhiều về tên gọi và đề xuất cần xem xét chọn tên mới thể hiện rõ xu thế đổi mới, sáng tạo phát triển. Trong đó có cử tri đề xuất chọn tên Thành phố Thủ Thiêm.
Sáng 7-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gồm các ĐB: Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TPHCM, có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 (TPHCM).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri tập trung nêu ý kiến về đề án sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) thành một đơn vị hành chính cấp quận, với tên dự kiến là Thành phố Thủ Đức cũng như việc sáp nhập một số phường trên địa bàn TP.
Cử tri Lê Trọng Thư (phường Thảo Điền) đánh giá, chủ trương TPHCM lập đề án thành lập Thành phố Thủ Đức là đúng đắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, cũng như cả nước. Chủ trương này còn thể hiện tầm nhìn, chiến lược và trách nhiệm trong sự phát triển của TPHCM, vì cả nước, cùng cả nước. Tuy nhiên, cử tri Lê Trọng Thư cho rằng, đề án dự án chưa được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân 3 quận, đặc biệt là về những lợi ích cụ thể với người dân cũng như các biện pháp xử lý ảnh hưởng đối với người dân sau khi sáp nhập.
Là tổ trưởng một tổ dân phố ở phường Bình Khánh, cử tri Trần Thị Quới cũng chia sẻ, người dân ở phường phấn khởi và chờ đợi sự đổi mới, phát triển từ chủ trương sáp nhập 3 quận. Đặc biệt là việc hình thành Khu đô thị sáng tạo phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng sống cho người dân.
“Sáp nhập là nhằm để tạo thuận lợi cho sự phát triển, cho nên cần có nghiên cứu các giải pháp thực hiện hợp tình, hợp lý. Đặc biệt là đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập cần có tên tương xứng với sự đổi mới, kỳ vọng phát triển”, cử tri Trần Thị Quới gởi gắm.
Cử tri Trần Thị Quới tiếp tục nêu ý kiến, khi sáp nhập phường Bình An với phường Bình Khánh (thuộc quận 2) thì nên lấy lại 1 tên phường vừa sáp nhập làm tên phường mới. Qua đó, nhằm hạn chế việc người dân phải điều chỉnh lại các loại giấy tờ liên quan.
Cùng góp ý về tên gọi của TP sau khi sáp nhập 3 quận, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (phường Bình Trưng Tây) còn đề xuất lấy tên là Thành phố Thủ Thiêm.
Cử tri Nguyễn Hải Triều (phường Thạnh Mỹ Lợi) trông chờ về việc sau khi sáp nhập sẽ có sự tập trung hơn về nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề dân sinh.
Theo cử tri Nguyễn Hải Triều, ông cùng nhiều người dân khác tin tưởng, bày tỏ ủng hộ về việc sáp nhập, nhưng băn khoăn về những ảnh hưởng đến người dân, như việc đi lại giải quyết thủ tục hành chính sẽ xa hơn. Do đó, cử tri Nguyễn Hải Triều đề xuất các ĐBQH có ý kiến để khi Quốc hội xem xét đề án có cơ chế tạo thuận lợi cho đơn vị hành chính mới này hoạt động thuận lợi, phục vụ người dân tốt hơn. Cùng với đó, việc lựa chọn cán bộ quản lý đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập 3 quận cũng cần chú trọng. Yêu cầu đặt ra là đội ngũ cán bộ, công chức cần phải đổi mới, công tâm, tích cực, chủ động và mẫn cán với công việc, để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý cũng như phục vụ người dân tốt hơn.
Trước các ý kiến đã nêu, thay mặt tổ ĐB, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, nhận xét, việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính mới nhận được sự quan tâm nhiều của cử tri.
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, các ý kiến phản ánh của cử tri là hoàn toàn xác đáng. Do đó, tổ ĐBQH sẽ ghi nhận và chuyển tải toàn bộ các ý kiến của cử tri đối với đơn vị liên quan để hoàn chỉnh đề án.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê thông tin thêm, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đang tổ chức phản biện để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP. Thông qua đó nhằm làm rõ hơn về phương pháp, cách làm để khi sắp xếp sẽ xem xét, giải quyết thấu đáo những việc còn tồn đọng, tạo điều kiện để đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập có sự phát triển như mong muốn của cử tri. Trong các vấn đề đặt ra, như công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xem xét về cơ cấu sử dụng đất thì trọng tâm là vấn đề con người.
Trả lời về các ý kiến của cử tri liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê thông tin, Thanh tra Chính phủ đã có nội dung báo cáo đầy đủ với Chính phủ để thực hiện kết luận để gặp gỡ và đối thoại với cử tri quận 2. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch chưa thực hiện được.
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Tổ ĐB và Đoàn ĐBQH TPHCM mong mỏi trong điều kiện bình thường mới, Thanh tra Chính phủ sớm tiến hành gặp gỡ, đối thoại với cử tri để góp phần sớm tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài nhiều năm nhưng trong nhiệm kỳ này Tổ ĐBQH và Đoàn ĐBQH TPHCM đã cố gắng hoàn thành hết trách nhiệm để chuyển tải thông tin đến các cơ quan liên quan để Khu đô thị mới Thủ Thiêm sớm hình thành và phát triển, mang theo đó là sự an dân về một đô thị phát triển tương lai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều vấn đề đòi hỏi phải xem xét một cách thấu đáo để đưa ra giải pháp một cách tốt nhất nên chưa đạt được sự mong mỏi của cử tri.
Liên quan đến những ý kiến khác, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cũng khẳng định, Tổ ĐBQH ghi nhận ý kiến cử tri và nỗ lực tối đa để chuyển tải tại kỳ họp Quốc hội sắp tới; đồng thời đề nghị Quận ủy, UBND quận 2 quan tâm những vụ việc thuộc thẩm quyền và có có phương án giải quyết thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.