Cử tri, nhân dân lo lắng về biến động giá cả

Sáng 10-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6-2024.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ góp phần ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó khăn và phức tạp.

Cử tri đặc biệt quan tâm việc Quốc hội điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh mức lương cơ sở và việc Quốc hội đã thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Cử tri kỳ vọng những quyết sách này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng việc tình hình giá cả một số mặt hàng đều biến động tăng, giá nguyên, vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về tình trạng hút thuốc lá điện tử diễn ra trong các cấp học sinh; hiện tượng lắp đặt thiết bị ghi hình giấu kín để quay lén có mục đích xấu; tình trạng người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vẫn không đủ một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.…

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong thời gian tới. Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối tượng sử dụng thiết bị camera quay lén vì mục đích xấu, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu nỗi lo của người dân về bệnh bạch hầu.

Qua trường hợp bệnh gây tử vong được ghi nhận, đề nghị cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề này - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.

Về các kiến nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, bổ sung việc trong lĩnh vực y tế, ngoài bảo đảm cung cấp thuốc, bảo hiểm y tế cho người bệnh thì cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và công tác dịch tễ. Khi có dấu hiệu bệnh nguy hiểm lây lan, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp khống chế, tránh để lây lan dịch bệnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và hóa chất xét nghiệm trong danh mục chi trả bảo hiểm y tế tại một số nơi, người dân đi khám, chữa bệnh phải mua bên ngoài bổ sung.

“Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời trước Quốc hội và khẳng định không thiếu thuốc và cơ chế, chính sách bảo đảm cho các bệnh viện thực hiện. Vậy tại sao các bệnh viện lại chưa giải quyết được vướng mắc trên? Đi khám có thẻ nhưng không có thuốc, phải mua thuốc bên ngoài thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế và đời sống của người dân. Chính phủ cần quan tâm và có các biện pháp rất cụ thể xác định trách nhiệm thiếu thuốc là do Bộ Y tế hay do khách quan?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng phản ánh, mặc dù cả nước đang xây dựng xã hội số nhưng hạ tầng giao thông còn khó khăn, hạ tầng viễn thông còn hạn chế. Thậm chí, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích trả lương qua thẻ đã dẫn đến tình trạng một số đối tượng chính sách, người có công sống ở một số thôn, bản, buôn… được trả lương qua thẻ nhưng không rút tiền được vì khu vực sinh sống không có máy ATM.

“Mong muốn xây dựng xã hội số là tốt nhưng trong cách thực hiện có thể chưa đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện nên dẫn đến gây khó khăn cho một bộ phận người dân”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cu-tri-nhan-dan-lo-lang-ve-bien-dong-gia-ca-671653.html