Cử tri quan tâm các vấn đề nóng về môi trường và giáo dục

Các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo nhận được sự quan tâm của rất nhiều cử tri qua các báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)

Ô nhiễm môi trường chậm khắc phục

Sáng 21-10, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.

Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân. Việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.

Cử tri, nhân dân còn phản ánh về một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài; một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng, một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật đất đai.

Bên cạnh đó, theo MTTQVN, cử tri, nhân dân còn lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh; còn tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Vì vậy, MTTQVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Ngoài ra, theo MTTQVN, cử tri và nhân dân cũng quan tâm đến các vấn đề khác như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải ngân vốn đầu tư công; Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi...

Môi trường và giáo dục nhận được nhiều kiến nghị nhất

Còn tại Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 2.200 kiến nghị thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri và đã giải quyết hoặc trả lời 99,42% kiến nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)

Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là tài nguyên và môi trường (205 kiến nghị), giáo dục và đào tạo (191 kiến nghị), lao động thương binh và xã hội (167 kiến nghị), giao thông vận tải (GTVT) (160 kiến nghị).

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung, các bộ, ngành, cơ quan đều rất nghiêm túc, tích cực giải quyết trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh, hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và Bộ Công thương là hai Bộ có nhiều kiến nghị nhưng đã giải quyết và trả lời đúng thời gian quy định” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ.

Mặc dù, các bộ, ngành đã tích cực, trách nhiệm trong việc trả lời các kiến nghị cử tri tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại và hạn chế.

Một số văn bản trả lời cử tri còn chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Văn bản trả lời chưa rõ, chỉ trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cụ thể mà cử tri nêu, nên cử tri tiếp tục kiến nghị.

Một số kiến nghị cử tri liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành,xử lý vi phạm trong ngành, trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể.

“Chẳng hạn cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018. Trả lời vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi; Công tác quán triệt quy chế thi; Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục để tổ chức tốt kỳ thi 2019”, báo cáo UBTVQH nêu.

Việc phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Đơn cử, cử tri một số địa phương: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đác Lắc, Gia Lai, Phú Yên,... phản ánh về công tác quản lý, bảo trì của 4.700 km đường chạy qua địa phận 42 tỉnh, thành phố hiện không rõ cơ quan chịu trách nhiệm dẫn đến tình trạng xuống cấp.

“Trả lời, Bộ GTVT nêu, do chưa có sự thống nhất giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ UBND tỉnh về Bộ GTVT quản lý đối với các tuyến đường này nên đã dừng việc sửa chữa định kỳ từ năm 2018 do chưa được cấp kinh phí...” – Báo cáo UBTVQH dẫn chứng.

Một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật thí dụ như việc thí điểm triển khai taxi công nghệ; khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật)...

Ngoài ra, còn một số kiến nghị đã được các bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị như lạm thu trong ngành giáo dục...

* Chính phủ có năm chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch Quốc hội giao

* Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội

* Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV

NHÓM PHÓNG VIÊN; ẢNH: CHƯƠNG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41969202-cu-tri-quan-tam-cac-van-de-nong-ve-moi-truong-va-giao-duc.html