Cử tri quan tâm việc lập TP Thủ Đức và giải quyết sai phạm ở Thủ Thiêm

Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã cho buổi tiếp xúc để lấy ý kiến các cử tri quận 2 trước Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho biết người dân chờ đợi việc xây dựng TP Thủ Đức, song cũng băn khoăn là khi sắp xếp các đơn vị hành chính, TP Hồ Chí Minh có tiếp tục xem xét vấn đề Thủ Thiêm hay không?

Sau khi sáp nhập, dân cư sẽ tập trung về TP Thủ Đức, dân số tăng cao kéo theo áp lực về hạ tầng xã hội… do đó, cử tri đã cho rằng, việc nhập 3 quận thành TP Thủ Đức chỉ nên thực hiện khi thành phố có chiến lược và quy hoạch phát triển dài hạn.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, cử tri phường Thạnh Mỹ Lợi cho rằng, vụ việc sai phạm ở Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được sửa sai một cách nhỏ giọt, chưa tổ chức thanh tra toàn diện. Tình trạng này khiến dự án đã kéo dài hơn 20 năm nhưng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Đã vậy khu 4,3ha mà UBND thành phố đã hứa nhiều lần, đến nay việc giải quyết vẫn chưa dứt điểm.

Theo ông Thịnh, có 66 cán bộ thuộc diện bị kỷ luật liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm, nhưng nhiều người đã… thoát vì hết thời hiệu như trường hợp của ông Tất Thành Cang khiến người dân không phục. Ông Thịnh đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới Thủ Đức.

Việc thành lập TP Thủ Đức thu hút sự quan tâm của nhân dân và nhà quản lý.

Việc thành lập TP Thủ Đức thu hút sự quan tâm của nhân dân và nhà quản lý.

Cho rằng việc lập TP Thủ Đức ấp ủ nhiều năm, nhưng đến gần đây mới được làm và làm một cách quá gấp gáp, đến mức chưa kịp lấy ý kiến đầy đủ của nhân dân. Thậm chí chính những người trực tiếp đi lấy ý kiến người dân cũng chưa hiểu rõ về đề án để trả lời thắc mắc của người dân…

Cử tri Lê Trọng Thư nêu ra các số lượng người dân lấy ý kiến của 3 quận, gồm quận 2 chỉ lấy ý kiến được hơn 150 nghìn người, chiếm hơn 40% dân số của quận; quận 9 hơn 142 nghìn người, chiếm hơn 45% dân số và quận Thủ Đức 197 nghìn người, chiếm vỏn vẹn 37% dân số.

Từ các số liệu này, ông Thư đặt vấn đề số lượng người dân được lấy ý kiến đạt 97% dân số của 3 quận như chính quyền các quận đã công bố có đúng hay không? Đồng tình với vấn đề này, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết ở phường Bình Trưng Tây cho hay, bà là tổ trưởng nhưng trong tổ dân phố của bà chỉ có 5 hộ đồng tình, còn 272 hộ không đồng ý với đề án sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức.

Lo lắng về vấn đề quá tải trong giải quyết thủ tục hành chính sau khi sáp nhập, cử tri Nguyễn Hải Triều, phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết quận 2 có chưa tới 10 phường, nhưng làm thủ tục cấp sổ hồng cả năm nay chưa xong. Nếu sáp nhập lại, việc giải quyết bao giờ mới xong. Theo ông Triều, công nghệ 4.0 cũng là do con người, không có sự thay đổi về con người thì vẫn trì trệ, và chính sự trì trệ về thủ tục hành chính khiến nhiều người dân không muốn sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức.

Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận xét rằng ý kiến của các cử tri là hoàn toàn xác đáng. Tổ Đại biểu Quốc hội sẽ chuyển cho Ban soạn thảo Đề án thành lập TP Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét.

Theo ông Khuê, UBND thành phố cần tiếp tục phải nghiên cứu, triển khai để mọi cử tri, mọi công dân trong phạm vi TP Thủ Đức hiểu rõ về diện mạo và tiềm năng phát triển, trong đó làm rõ hơn TP Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức trước đây.Về vấn đề Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160ha. Vừa qua do dịch bệnh COVID-19 nên Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/cu-tri-quan-tam-viec-lap-tp-thu-duc-va-giai-quyet-sai-pham-o-thu-thiem-614677/