Cử tri sẽ bãi nhiệm đại biểu HĐND không còn tín nhiệm
Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân sẽ bị bãi nhiệm tại hội nghị cử tri. Bộ Nội vụ bắt đầu lấy ý kiến nhân dân xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Theo Bộ Nội vụ, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) khi không còn sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Tại điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, trường hợp đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
Theo đó, Thường trực HĐND quyết định việc bãi nhiệm hoặc theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND. Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành. Ngoài ra, trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, thực tế có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm. Việc này đã được tiến hành đúng quy định của pháp luật, được cử tri và nhân dân đồng tình. Trong khi đó, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của UBTVQH về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND khi không còn tín nhiệm là cần thiết, làm cơ sở triển khai thực hiện trên thực tế và phù hợp với quy định của Hiến pháp và của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về 2 phương án. Cụ thể, phương án 1: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm. Phương án 2: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ việc đại biểu HĐND bị HĐND bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời do việc bãi nhiệm đại biểu HĐND là vấn đề hệ trọng liên quan đến quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND được tiến hành tại đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc nơi đại biểu đến sinh hoạt. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị lựa chọn phương án 1.
Thực tế, thời gian qua không ít trường hợp đại biểu HĐND vi phạm làm suy giảm đi lòng tin của nhân dân. Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã cho thôi làm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đối với ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng. Hay như nhiều đại biểu HĐND tại các tỉnh, thành cũng đã bị bãi nhiệm do liên quan đến sai phạm trong vụ Việt Á.
Từng là đại biểu HĐND, ông Phạm Trường Dân – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trường hợp đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị cử tri bãi nhiệm là hoàn toàn chính xác. Điều đó phát huy quyền làm chủ của người dân. Bởi không đủ tiêu chuẩn, tư cách để làm đại biểu đại diện cho nhân dân thì kiến nghị HĐND bãi nhiệm.
Ông Dân cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ nên theo phương án đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
Cùng từng là đại biểu HĐND và Đại biểu Quốc hội, bà Bùi Thị An cho rằng, về nguyên tắc khi cử tri bầu ra đại biểu HĐND thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Nếu dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND được thông qua như đề xuất trên của Bộ Nội vụ sẽ làm cho đại biểu HĐND có chất lượng và hoạt động tốt hơn.
Bà An phân tích, trước đây Thường trực HĐND quyết định việc bãi nhiệm hoặc theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND. Nhưng nếu bây giờ cử tri bãi nhiệm sẽ thể hiện quyền lực và lá phiếu của cử tri. Bởi tôi bầu ra anh mà anh không đại diện cho tôi, không xứng đáng thì tôi có quyền bãi nhiệm anh. Đây chính là nâng lên một bước trong vấn đề thực hiện dân chủ đại diện. Tức là khi là đại biểu, đại diện cho dân thì anh phải xứng đáng. Nếu anh không thực hiện theo những gì đã hứa, theo quy định của pháp luật thì cử tri sẽ bãi nhiệm anh. Tôi cho rằng đây chính là một bước để nâng cao chất lượng các cơ quan dân cử”.
Theo ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trường hợp đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì có 2 trường hợp đó là: bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế khi có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương đưa ra HĐND bãi nhiệm. Còn việc cử tri bãi nhiệm chưa thực hiện được bởi “hội tụ” đủ số lượng cử tri là không phải đơn giản. Cho nên thường là Thường trực HĐND đưa ra HĐND để bãi nhiệm.
Trước đó, dự thảo đã được gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương và HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.