Cử tri TP.HCM đề nghị tạo điều kiện cho người dân về quê
Một số cử tri quận Bình Tân, TP.HCM cho rằng, trong dịch họa, khó khăn thì gia đình là niềm tin lớn nhất để người dân tìm về, cần hỗ trợ chứ ngăn cấm là sai lầm.
Sáng 5/10, Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 6) gồm có nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Thành ủy và ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Tân trước kỳ họp Quốc hội thứ 2, khóa XV.
Nêu ý kiến với Tổ đại biểu, cử tri Tạ Xuân Đông (phường Bình Hưng Hòa A) cho rằng, cần xem xét lại công tác phòng, chống dịch tại các khu nhà trọ, vì ở đây rất đông đúc, chật hẹp… Theo ông, nếu không giãn cách phù hợp, có mầm bệnh sẽ lây lan rất nhanh.
Qua đó, ông Đông đề nghị về lâu dài Nhà nước cần có chính sách phù hợp về nhà ở cho công nhân, không chỉ ở Bình Tân mà cả TP.HCM.
Liên quan việc người dân rời TP về quê mấy ngày gần đây, nhất là về các tỉnh miền Tây, cử tri Phạm Hữu Tấn (phường An Lạc) đề nghị chính quyền cần hỗ trợ người dân.
“Trong khó khăn vì đại dịch, niềm tin lớn nhất với họ là gia đình, nên ngăn cấm về quê là sai lầm; cần phải sắp xếp hỗ trợ người dân chứ không phải ngăn cản”, cử tri Tấn đề nghị.
Ông cũng đặt vấn đề, vừa qua các gói hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch của TP cũng như của Chính phủ, các đại biểu có giám sát hay không?
Trong gói hỗ trợ đợt 3 đang triển khai, ông đề nghị phải có hướng dẫn rõ ràng, minh bạch để tránh thiếu sót, phát sai như các gói hỗ trợ trước.
Về hỗ trợ quà, ông Tấn cho rằng, thời gian qua phát theo cảm tính, các hẻm nhỏ, sâu ít được nhận hơn người ở mặt tiền, hẻm lớn.
Đồng tình trong quan điểm hỗ trợ bà con về quê, cử tri Bùi Trần Nam Thông (phường Bình Hưng Hòa A) cho biết, trong khó khăn, trong hoạn nạn thì gia đình là điểm tựa lớn nhất với người xa quê, không thể nào ngăn bà con về quê.
Theo ông Thông, trong số đông người về chắc chắn có F0, nhưng nếu chủ động, làm tốt thì tránh được lây lan.
Nhiều cử tri khác đề nghị đẩy nhanh gói hỗ trợ, đề nghị đại biểu đề xuất Trung ương phân bổ sớm vắc xin để tiêm cho người dân.
Quận có 400.000 người cần hỗ trợ
Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhật cho biết, quận cũng luôn đặt vấn đề ưu tiên hàng đầu là tiêm vắc xin càng nhiều càng tốt.
Về gói hỗ trợ đợt 3, ông Nhật cho biết, qua lập danh sách đợt đầu có hơn 700.000 người khó khăn. Tuy nhiên, rà soát lại thì thấy còn 400.000 người thực sự khó khăn, cần hỗ trợ. Hiện, quận tiếp tục rà soát để chốt danh sách, triển khai nhanh và kịp thời hỗ trợ người dân.
“Do phải rà soát kỹ để không ai bị bỏ sót, cũng không để phát trùng, phát sai nên việc hỗ trợ gói 3 có chậm so với tiến độ”, ông Nhật thông tin.
Liên quan việc người dân về quê, ông Nhật cho biết, quận Bình Tân tạo điều kiện hết sức để hỗ trợ, nhưng phải trên tinh thần về có tổ chức.
Cam kết với cử tri, ông Nhật nhấn mạnh, sẽ có sự quan tâm hơn đến lực lượng cơ sở như tổ dân phố, khu phố.
Tỷ lệ ngân sách phòng, chống dịch của Việt Nam còn thấp
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, thay mặt Tổ đại biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tinh thần trong phòng, chống dịch là làm sao để lây nhiễm giảm đến mức không đe dọa cuộc sống. Vẫn phải chấp nhận sống chung với dịch khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông cũng đồng ý với cử tri là tiêm vắc xin càng nhiều càng tốt và tiếp thu ý kiến này; làm việc với TP để kiến nghị Trung ương phân bổ thêm vắc xin.
Về các gói hỗ trợ, ông Nhân cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm xử lý với đại dịch lớn như hiện nay, nên chưa giải ngân được nhiều.
Ông Nhân cũng chia sẻ, nhiều nước trên thế giới bỏ ra khoảng 10% GDP để hỗ trợ, xử lý khi gặp những đợt khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Họ cũng có kinh nghiệm nên làm rất nhanh, hiệu quả.
Trong khi đó, ở Việt Nam, quy định luật pháp chưa đủ, chỉ dành khoảng 2% GDP cho việc phòng, chống dịch là vẫn còn thấp.
Theo ông Nhân, đợt dịch lần này đã làm ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, trong hai năm liên tục, tăng trưởng chỉ đạt dưới 4%, điều chưa từng có tiền lệ.
"Kinh nghiệm cho thấy, cứ 10 năm có một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến nhân loại, năm nay là khủng hoảng do dịch Covid-19. Cho nên, cần biết chu kỳ này để chủ động cho những lần sau", ông Nhân nói.
Về chăm lo cho người dân, ông Nhân cho biết, TP cũng đã làm rất quyết liệt, các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh… nhưng chưa đủ. Do đó, ông cho biết, Tổ đại biểu sẽ làm việc với TP để đề nghị cần xây dựng quy chế, cơ chế hỗ trợ sát hơn, mạnh mẽ hơn.
Hồ Văn