Cử tri TPHCM lo giá cả 'nhảy múa' sau tăng lương

Nhiều cử tri TPHCM nhìn nhận thực tế luôn diễn ra hiện tượng tăng lương đi kèm với tăng giá cả tiêu dùng, giá cả thị trường 'thi nhau nhảy múa'.

Chiều 2/7, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 2 và tổ đại biểu HĐND TPHCM đơn vị số 5 đã cùng tiếp xúc cử tri quận 3 sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Vũ Thị Bích Vân (phường 13) nhìn nhận, chính sách tăng mức lương cơ bản từ ngày 1/7/2024 góp phần đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng như các trường hợp được hưởng lương hưu, trợ cấp từ ngân sách.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua luôn có hiện tượng tăng lương đi kèm với tăng giá. “Điều này ảnh hưởng lớn đối với đời sống người dân, nhất là những người dân lao động không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do vậy, đề xuất Nhà nước có chính sách đảm bảo về giá để người dân ổn định cuộc sống”, bà Vân ý kiến.

Cử tri này cũng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đối với người đóng thuế thu nhập cá nhân tại những nơi có mức sống cao như TPHCM và các đô thị lớn theo quy định hiện nay là quá thấp. Bà Vân đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng

Trong khi đó, cử tri Lâm Ngọc Mạnh (phường 12) nhìn nhận, vấn đề tăng lương cơ sở chưa đến tay người lao động thì giá cả thị trường "thi nhau nhảy múa". Ông Mạnh cho rằng vấn đề này một phần do câu chuyện tăng lương cách đây hơn một năm, vô hình trung “bật đèn xanh” cho thị trường tăng giá, từ đó giảm đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Đánh giá kỹ mức độ ảnh hưởng

Trao đổi các ý kiến, góp ý của cử tri, ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua vào năm 2007 và sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2012 và năm 2014.

Mặc dù năm 2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế của người nhận tiền lương, tiền công, tuy nhiên một số bất cập trong đạo luật này vẫn chưa được giải quyết. Trong đó nổi lên một số điểm như khoảng cách giữa các bậc chịu thuế không phù hợp, các chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân cũng còn bất cập.

“Luật này cũng quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% thì Chính phủ sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy CPI mỗi năm chỉ tăng 3-4%, do vậy để đạt mức để điều chỉnh thì có lẽ mất đến 4-5 năm”, ông Hiển đánh giá.

Cũng theo ông Hiển, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của ĐBQH, hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ghi nhận ý kiến và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương có đề xuất sửa đổi các đạo luật thuế, trong đó đặc biệt là Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ông Đỗ Đức Hiển trao đổi xoay quanh các ý kiến của cử tri.

Ông Đỗ Đức Hiển trao đổi xoay quanh các ý kiến của cử tri.

Theo đó, việc này cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, nghiên cứu ý kiến của đối tượng chịu sự tác động cũng như ý kiến của các chuyên gia để tính toán lộ trình áp dụng một cách phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội và đặc biệt là nguyện vọng của cử tri.

“ĐBQH sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới, để Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ và Quốc hội nội dung về Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mong muốn của người dân”, ông Hiển khẳng định.

Cũng theo ông Đỗ Đức Hiển, việc tăng lương cũng là nội dung phải nghiên cứu để tăng mức giảm trừ gia cảnh, tăng mức thu nhập chịu thuế để làm sao “tăng lương thì cố gắng hạn chế tăng giá, chi phí”.

Cử tri quận 3 trao đổi thêm với ĐBQH sau buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng

Cử tri quận 3 trao đổi thêm với ĐBQH sau buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-tri-tphcm-lo-gia-ca-nhay-mua-sau-tang-luong-post1651500.tpo