Cứ vài tháng sắp xếp lại khu vực chơi của con, mẹ nhận ra điều giúp bé hạnh phúc
Việc sắp xếp lại khu vực chơi theo từng giai đoạn phát triển sẽ tạo nên sự mới mẻ, hứng thú cho bé.
Để thúc đẩy khả năng khám phá trong con thông qua những món đồ chơi đơn giản tại nhà, cứ sau vài tháng, chị Quỳnh Anh sẽ dành thời gian sắp xếp lại khu vực chơi của con sao cho không gian quen thuộc hàng ngày luôn trở nên thực sự mới mẻ. Có lẽ nhờ vậy mà kích thích được sự hứng thú, muốn được chơi, được học, được đọc, được khám phá thật nhiều thay vì mải mê "bận rộn" với chiếc ipad, điện thoại như nhiều bạn nhỏ khác.
Một khu vực riêng như thế giới thu nhỏ sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, làm cách nào để không gian ấy luôn là nơi có đủ sức hút khiến con hào hứng và hạnh phúc mỗi ngày thì không phải là điều dễ dàng. Mới đây, chị Dương Quỳnh Anh (sống tại Bình Thạnh) đã chia sẻ một số kinh nghiệm nhỏ của bản thân, giúp con luôn cảm thấy vui trong không gian của chính mình.
Để con luôn vui vẻ trong ngôi nhà của chính mình
"Những chia sẻ về cách mà mình "vận hành" góc chơi nhỏ cho con tại nhà là những đúc kết kinh nghiệm của bản thân trong khoảng thời gian chăm sóc và quan sát sự phát triển của các con. Nó bắt đầu từ một thời điểm mình bất chợt nhận thấy rằng con thực sự cần có một khoảng không nhỏ của riêng con trong căn nhà to của ba mẹ, không trộn lẫn với không gian của người lớn.
Trước đây, mình ở trọ. Từ căn trọ này đến căn trọ khác, không gian sống liên tục thay đổi, nhưng một khoảnh nhà riêng cho con luôn là điều mà người làm mẹ như mình ưu tiên cân nhắc mỗi trước khi bắt đầu sắp xếp một cuộc sống mới cho gia đình nhỏ.
Hiện tại, mình dường như đã dành toàn bộ quỹ thời gian của bản thân để chăm sóc và nuôi dạy hai đứa nhỏ, ngày ngày chứng kiến bọn trẻ trưởng thành qua từng hành động nhỏ, từng câu chữ bập bẹ. Nhìn cách mà con bé lớn ghi nhớ mỗi món đồ chơi được đặt để ở đâu rồi giúp mẹ thu dọn; nhìn cách mà thằng bé con biết chính xác vị trí quyển sách mà nó yêu thích nằm ở đâu mà chạy đến lấy; nhìn cách mà những bức tường trắng ở nhà chưa bao giờ bị nguệch ngoạc, những cánh cửa không bị dán ngổn ngang những sticker... Mình thật vui khi thấy nỗ lực của mình, phương pháp giáo dục mình lựa chọn trong suốt hơn 3 năm qua là đúng", chị Quỳnh Anh tâm sự.
Với bà mẹ 8X, điều khiến con hạnh phúc mỗi ngày chính là cách giáo dục của gia đình, một trong số đó là cách mà chị Quỳnh Anh thường xuyên cân nhắc và chăm chút cho khu vực chơi của các con. Nhiều bà mẹ vẫn thường xuyên tâm sự rằng con của họ dường như không thích chơi ở nhà vì chúng không cảm thấy thoải mái khi ở đâu cũng là không gian của "người khác", chúng không biết đồ chơi, sách vở cần phải bày biện ra sao mới được gọi là ngăn nắp; hay đồ chơi của con quá nhiều, đôi lúc con chỉ muốn lấy vội một chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ cho bạn gấu đang bị sốt thôi mà phải đổ hết cả thùng đồ chơi ra mà tìm thì thật dễ trôi tuột đi cảm xúc, điều đó cứ khiến con cảm thấy không thực sự hứng thú khi vui chơi ở nhà...
Thế nên một góc nhỏ dành riêng cho con với đồ chơi, sách vở được sắp xếp gọn gàng, logic là điều vô cùng quan trọng, nó có thể là nền tảng to lớn cho sự hình thành tính cách và phẩm chất của con sau này.
4 quy tắc về "góc nhà linh hoạt"
Theo chị Quỳnh Anh, linh hoạt là luôn thay đổi. Cứ cách vài tháng, thì từ khung kệ, học cụ, sách vở đến đồ chơi... sẽ được chọn lọc và sắp xếp khác đi nhằm phù hợp hơn với kỹ năng và sở thích của con tại mỗi giai đoạn phát triển.
Cụ thể hơn, ở mỗi phiên bản sẽ có một vài món gì đó mới được bổ sung vào, một vài món cũ sẽ xuất hiện trở lại sau một khoảng thời gian "vắng bóng" và đồng thời cũng sẽ "ẩn" đi một vài món mà con không muốn chơi nhiều, chờ thời gian thích hợp có thể sẽ cân nhắc cho xuất hiện trở lại.
Tuy ở mỗi phiên bản sắp xếp là không giống nhau nhưng nhìn chung sẽ xoay quanh vài quy tắc sau:
- Không dồn hết các thể loại đồ chơi của con vào một thùng/sọt lớn
Vì sao? Có thể đối với nhiều phụ huynh, đây là cách thuận tiện nhất để thu dọn bãi chiến trường của con, nhưng điều này vô hình trung sẽ khiến con thiếu hụt đi sự tư duy trong sắp xếp và không xây dựng được khái niệm tôn trọng đối với những món đồ xung quanh.
- Cần dành thời gian để phân loại, sắp xếp khu vực riêng của con thật khoa học
Trước mỗi khi chuẩn bị thay đổi không gian cho con, mình luôn cân nhắc cẩn thận về những sắp xếp mới. Mình luôn giúp con hoạch định khu vực rõ ràng như không gian sách đọc, không gian vở vẽ, không gian đồ chơi bằng gỗ, không gian đồ chơi bằng pin, không gian đồ chơi trí tuệ… Nhằm hy vọng qua mỗi một lần giới thiệu về không gian mới mà con dần có được khái niệm về tính logic trong mỗi sự đặt để của cuộc sống.
- Đối với những món đồ chơi hoặc học cụ có quá nhiều chi tiết nhỏ lẻ thì sao?
Mình sắp xếp chúng theo từng bộ riêng biệt và để gọn gàng vào từng hộp/thùng trong suốt. Điều này luôn giúp con nhanh chóng nhận biết mỗi khi cần, cũng như rất dễ dàng thu dọn sau mỗi khi sử dụng.
- Sau mỗi cuối này, mình luôn dành thời gian để chỉnh sửa lại khu vực chơi của con sao cho mỗi món đồ đều được xếp vào đúng vị trí quy định. Để mỗi sáng thức dậy, các con luôn thấy được tính đúng đắn trong mỗi sự đặt để, từ đó, con dần ghi nhớ và học hỏi về phương thức của sự ngăn nắp và gọn gàng.
Ngoài những chia sẻ trên, có một điều vô cùng quan trọng mà vợ chồng mình luôn tự nhắc nhở và động viên nhau đó là thứ mà tụi nhỏ thực sự cần không phải là một chiếc phòng thật to với đầy ắp những gấu bông hay đồ chơi đắt tiền… mà là thời gian chúng được vui cười cùng ba mẹ. Dành nhiều thời gian cho con để mình hiểu con, để con hiểu mình, đây là cách nhanh nhất và duy nhất để trở thành người-đồng-hành giúp con luôn hạnh phúc.