Cửa ải nào đang chờ Thủ tướng chỉ định của Iraq?

Chính trường rối ren, bất ổn định kinh tế xã hội, nguy cơ trở thành quân cờ trong tay thế lực nước ngoài là 3 bài toán khó cho Thủ tướng chỉ định của Iraq. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Thủ tướng chỉ định Iraq Mustafa al-Kadhimi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: Iraqi Thoughts)

Sau khi được Tổng thống Barham Salih chỉ định một tháng trước, ông Mustafa al-Kadhimi sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 9/5 nhằm chính thức trở thành Thủ tướng. Vậy điều gì khiến cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia 53 tuổi này là người được chọn, và liệu ông có đủ sức đưa Iraq vượt qua tình cảnh khó khăn trước mắt?

Lợi thế ít

Thứ nhất, trong bối cảnh chính trường Iraq tiếp tục bị chi phối bởi tham nhũng và lạm dụng quyền lực, ông Kadhimi nổi lên với hình ảnh chính trực, vượt qua được sự ngờ vực ban đầu của giới lãnh đạo Shiite đang nắm quyền.

Thứ hai, trên cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia kể từ năm 2016, ông được biết đến với tư cách là người bảo vệ nhân quyền và một cây viết mảng chính trị sắc bén.

Thứ ba, ông có vị thế trung lập để cân bằng quan hệ với hai thế lực lớn tại Iraq là Mỹ và Iran. Cụ thể, lâu nay, Thủ tướng chỉ định được cho là người có quan hệ gần gũi với Washington, song một số nguồn tin cho biết mối quan hệ giữa ông và Tehran cũng đã cải thiện những tháng gần đây.

Tuy nhiên, chừng đó liệu có đủ để ông vượt qua 4 thách thức lớn trước mắt?

Thách thức nhiều

Thứ nhất, ông không được lực lượng dân quân thân Iran, vốn có tiếng nói lớn trong Quốc hội ủng hộ, khiến tiến trình thành lập chính phủ bị trì trệ. Quan trọng hơn, cán cân quyền lực tại Baghdad đang bất định; dù đã từ chức, song cựu Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Iraq, với mối quan hệ gần gũi với các lực lượng dân quân thân Tehran, đủ năng lực làm chao đảo chính quyền mới. Tham nhũng tiếp tục, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq đứng thứ 162/180 về mức độ minh bạch trong bộ máy chính quyền.

Thứ hai, Iraq đang đối mặt với bất ổn kinh tế xã hội nghiêm trọng. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng chịu tác động nặng nề từ giá dầu giảm, xung đột liên miên. Bên cạnh đó, Iraq đã ghi nhận 2.296 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó 97 người tử vong. Chính quyền Iraq đã cố gắng hạn chế sự lây lan của dịch, song nỗ lực này khó duy trì nếu thiếu vắng sự trợ giúp, khi ngành y tế quốc gia này chịu tác động nặng nề từ chiến tranh và khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Người dân Iraq đeo khẩu trang tại nơi công cộng nhằm tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Thứ ba, Iraq có nguy cơ trở thành quân cờ địa chính trị trong tay các thế lực nước ngoài. Cụ thể, vài tháng trước, Baghdad đã không thể làm gì khi Washington ra lệnh không kích chính xác, sát hại Thiếu tướng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani, hay lúc Tehran tiến hành dội tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq.

Khi xung đột này đã lắng dịu, phần vì cả Tehran và Washington đang bận rộn với đại dịch Covid-19, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tận dụng khoảng trống quyền lực để đẩy mạnh hoạt động. Đêm 2/5, tổ chức này đã tấn công vào thành phố Samarra, khiến ít nhất 10 dân quân Iraq thiệt mạng. Đây nhiều khả năng chỉ là khởi đầu trong chiến lược của IS nhằm giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, khi Mỹ rút, còn Iraq đối đầu với người Kurd tại miền Bắc đất nước.

Như vậy, một mặt, Thủ tướng chỉ định cần tìm kiếm sự ủng hộ chính trị, củng cố và làm trong sạch bộ máy. Mặt khác, ông sẽ phải đối phó với đại dịch Covid-19, trước khi giải bài toán về khôi phục và đa dạng hóa nền kinh tế.

Cuối cùng, Baghdad cần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trước sự can thiệp của thế lực bên ngoài, dù đó là Mỹ, Iran, IS hay người Kurd. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội để ông Kadhimi chứng minh tài năng và phẩm chất xứng đáng với sự kỳ vọng của Tổng thống và người dân Iraq.

Lưu Huỳnh

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cua-ai-nao-dang-cho-thu-tuong-chi-dinh-cua-iraq-114981.html