Của cho không bằng cách cho!

Việc nhóm 5 người đại diện cho một kênh mạng xã hội lớn đi thuyền đến khu vực ngập lụt ở miền Trung để trao quà, lấy lý do nước ngập sâu, khó tiếp cận nên cứ đứng trên thuyền ném đồ cứu trợ cho người dân, đang khiến nhiều người phiền lòng.

Hình ảnh được chính nhóm người này phát trên mạng xã hội cho thấy bối cảnh hoàn toàn có thể cập thuyền vào sát nhà dân nhưng họ đã không làm vậy. Những người dân lóp ngóp bơi trong nước lũ đục ngầu để vớt những thùng mì, gói quà ướt nhẹp. Hình ảnh ấy đang nói lên một thực tế rằng có những người mang danh đi cứu trợ, tiếp tế nhưng vô tâm đến nhẫn tâm. Cứu trợ như thế thì không khác gì bố thí.

Ông cha ta dạy: "Của cho không bằng cách cho".

Từ một tỉnh miền Trung, một đồng nghiệp cho biết khá nhiều nhóm cứu trợ tự phát đã đến nhưng họ quẩn quanh một đoạn quốc lộ, phát quà như chỉ để cho xong việc, có hình ảnh để báo cáo chứ cứu cái gì! Vì sát quốc lộ thì cũng ngập, cũng cần giúp đỡ nhưng không là gì so với các thôn xóm đang chìm sâu trong lũ - nơi nhiều người đang thực sự đói. Dĩ nhiên, ở những chỗ ngập sâu thì các đoàn cứu trợ tự phát không thể vào được nhưng tại sao không liên hệ địa phương và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở đó để được hỗ trợ.

Có người nói hàng quà đưa cho chính quyền và các lực lượng cứu hộ thì nếu có đến tay người dân cũng đã thất thoát hoặc là họ chỉ phát cho người nhà chứ người nghèo khó được phần. Nói thế là bởi trong quá khứ, những việc này từng xảy ra. Nhưng đó là một ít vụ rất cá biệt, chỉ ở một đôi chỗ, "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không phải nơi nào cũng vậy. Những đơn vị, cá nhân nào từng lạm dụng hoặc cố tình làm sai trong chuyện phát hàng quà cứu trợ thì trước sau cũng đều bị phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Thử hỏi dân ở đâu bị thiệt hại nặng nhất, những hộ nào đang thực sự đứt bữa, rồi phương tiện gì để đưa hàng quà đến, kể cả nơi nào chưa thể tiếp cận vì đang nguy hiểm... thì người từ phương xa đến làm sao biết? Vậy không hỏi chính quyền và các lực lượng tại chỗ thì hỏi ai?

Mà bây giờ, các địa phương đều bố trí bộ phận tiếp nhận cứu trợ; không những cơ quan mặt trận và các đoàn thể mà cả các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, báo - đài địa phương... cũng đều mở các kênh tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận.

Mang hàng cứu trợ, kể cả tiền bạc, đến giúp người nghèo trong thiên tai bão lũ là rất quý. Ngoài việc hàng quà bảo đảm tới tay người nhận thì còn có tình cảm của người cho và nhận. Người cho muốn tận mắt thấy những thiệt hại cụ thể để còn phản hồi với các mạnh thường quân. Nhưng liều mạng vào nơi đang nguy hiểm để rồi lỡ thiệt mạng thì lại sinh ra nỗi đau kép. Người đang cần cứu trợ chỉ mong được chia sẻ chứ không ai muốn thấy người khác phải vì mình mà thiệt mạng.

Nhưng nói như vậy cũng để thấy cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương bị thiên tai rất cần quán triệt cho cán bộ các cấp, đến tận từng thôn làng, trong điều kiện có thể, phải hết sức tạo điều kiện hỗ trợ các đoàn cứu trợ. Hàng quà, tiền bạc đều không phải là thứ vô tận, nó được gom góp, chắt chiu từ tấm lòng thơm thảo của bá tánh nên phải được trao đúng người cần trao. Thế thì mới phát huy được giá trị của "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Xem danh sách bạn đọc và các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua Báo Người Lao Động tính đến ngày 20-10-2020 tại đây.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cua-cho-khong-bang-cach-cho-20201020224255186.htm