Của cho không bằng cách cho

Thời gian qua, khi mà siêu bão Yagi đi vào đất liền và gây ảnh hưởng đến nhiều tỉnh phía Bắc, trên mạng xã hội có không ít những thông tin, hình ảnh, video đi kèm với nội dung bão lũ. Nhưng trên thực tế, đó lại là những thông tin giả, lợi dụng tình hình bão lũ để câu like câu view, thậm chí là quảng cáo trá hình, gây hoang mang và hiểu nhầm cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp này.

Bức ảnh người đàn ông áo xanh đẩy chiếc thau có người phụ nữ và đứa bé, thực chất là được cắt ra từ một video trên mạng, chứ không phải là sự việc trong mùa mưa bão vừa qua. Hay bức ảnh của một bé trai khóc nức nở mà theo người viết chia sẻ “mẹ cậu bé đã bị lũ cuốn trôi”. Nhưng cô giáo chủ nhiệm điểm trường Mã Pì Lèng xác nhận, cậu bé này hiện đang học lớp 1 do cô chủ nhiệm và vẫn còn đầy đủ bố và mẹ. Thậm chí, một số bức ảnh còn được sử dụng công nghệ AI để đánh lừa người xem mà không phản ánh đúng sự thật.

Không chỉ câu view câu like, một thương hiệu dịch vụ nổi tiếng ủng hộ đồng bào lũ lụt bằng cách trích 1.000đ của đồ uống được bán ra. Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng, đây là chiêu trò marketing “kém duyên” gắn với tình hình bão lũ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, không chỉ trong mùa bão lũ, mà như trong dịch Covid-19, tin giả cũng xuất hiện tràn lan trên không gian mạng và khó kiểm soát. Để xử lý các trường hợp này, Bộ đã thành lập trung tâm xử lý tin giả để xác nhận các sự việc.

Tình trạng câu like, câu view là điều không thể tránh khỏi trên không gian mạng, mọi lời nói hay hành động cũng cần phải hết sức thận trọng. Như trong trường hợp của thương hiệu trên, nhiều người cho rằng, của cho không bằng cách cho.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Tuấn Anh - Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/cua-cho-khong-bang-cach-cho-236381.htm