Cửa hàng đồng giá 'lên ngôi' tại Nhật Bản do lạm phát tăng
Những cửa hàng đồng giá trước kia không được đánh giá cao về mặt chất lượng giờ đây lại thu hút người tiêu dùng Nhật Bản vì giá rẻ mà dùng vẫn ổn.
Vài năm trước, Takako Tomura thường bỏ qua cửa hàng đồng giá 100 yên được trang trí sặc sỡ gần nhà khi muốn mua những món đồ thiết yếu lặt vặt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh bán lẻ tại Nhật Bản đã thay đổi đáng kể, Takako lại trở thành một khách hàng quen thuộc đối với các cửa hàng không được đánh giá cao về chất lượng này. Các mặt hàng mà Tomura mua rất đa dạng, từ cuốn lịch cho đến các dụng cụ làm bếp, bút hoặc khăn giấy.
“Những cửa hàng này chưa bao giờ được nhìn nhận là nơi mua đáng tin cậy vì những thứ mà họ bán đều bị vứt bỏ sau vài lần sử dụng. Thế nên tôi luôn nghĩ mua đồ ở đây rất lãng phí tiền”, bà nội trợ 44 tuổi Tomura chia sẻ.
Cô tìm đến cửa hàng sau một lần con gái cô cần mua một chiếc tẩy, và cửa hàng đồng giá 100 yên là giải pháp gần nhất.
“Tôi rất ngạc nhiên. Họ vẫn đầy đủ mọi thứ. Mặc dù tìm đồ mình cần cũng hơi khó khăn nhưng họ có mọi thứ, giá thì rẻ. Tôi nghĩ chất lượng đã được cải thiện hơn, đủ dùng là được”, Tomura cho hay.
Theo giới phân tích, suy nghĩ của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên tại Nhật Bản, các sản phẩm trên kệ đồng giá trở thành một món hàng “vừa đủ tốt” cho người tiêu dùng.
Các cửa hàng đồng giá xuất hiện từ thời Edo (kéo dài từ năm 1603 đến năm 1868) và bùng nổ trong 10 năm trở lại đây.
Theo báo cáo dữ liệu của công ty phân tích thị trường Teikoku Data Bank, chỉ tính từ 2020 đến hết tháng 4/2021, trên khắp đất nước Nhật Bản có hơn 8.000 cửa hàng đồng giá 100 yên. Con số này tăng 40% so với 10 năm trước. Doanh thu của các cửa hàng này có xu hướng tăng tương tự, với bốn công ty điều hành lớn - Daiso, Seria, Watts và Can Do.
Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của các cửa hàng này, bao gồm chất lượng hàng được cải thiện, sự cạnh tranh ngày càng tăng, mặt hàng phong phú đa dạng hơn và người tiêu dùng Nhật Bản đang tiết kiệm hơn.
“Xu hướng này diễn ra trước khi đại dịch ập đến, khi người tiêu dùng Nhật Bản lo ngại về chính sách đối phó với tình trạng lạm phát của chính quyền, cũng như nhu cầu giảm giá các loại mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, tăng cao”, Roy Larke – giảng viên cấp cao chuyên ngành tiếp thị tại Đại học Waikato ở New Zealand – nhận xét.
Chuyên gia Larke chỉ ra chuỗi bán lẻ Don Quijote đi đầu trong việc phá vỡ khuôn mẫu bán lẻ tại Nhật Bản kể từ khi cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này mở tại Tokyo vào tháng 3/1989.
Xuất phát điểm khiêm tốn, với tôn chỉ “chất hàng hóa cao, bán hàng hóa rẻ”, thương hiệu đã mở rộng tới 160 địa điểm ở Nhật bản, hơn 10 cửa hàng tại Singapore, 8 cửa hàng tại Hong Kong (Trung Quốc) và một số cơ sở tại Hawaii, Malaysia, Bangkok (Thái Lan), Đài Loan và Macau (Trung Quốc).
“Những cửa hàng đồng giá 100 yên bắt đầu mở rộng chi nhánh để đáp ứng nhu cầu gia tăng, đồng thời họ cũng thử các mặt hàng kinh doanh mới như thực phẩm để xây dựng thương hiệu”, giảng viên Larke cho hay.
Ngoài việc bổ sung các chi nhánh mới, Daiso cũng gia tăng sự hiện diện bằng cách liên kết với chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven, lắp đặt một khu vực màu hồng bắt mắt cho hàng hóa Daiso trong cửa hàng. Ông Larke chỉ ra tính hiệu quả của phương pháp tiếp cận đó là đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ giữa hai thương hiệu cũng không được tính là cạnh tranh vì các sản phẩm phổ biến nhất tại Seven-Eleven là thực phẩm và đồ uống.
Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách cấp cao của Đơn vị Tình báo Thị trường Toàn cầu Fujitsu, cho biết xu hướng ưa chuộng các cửa hàng đồng giá trong thời gian đại dịch xảy ra một phần là do nhiều người làm việc tại nhà hơn, kéo theo việc họ không thể đến những cửa hàng quen thuộc trên đường đi làm trước đây.
“Mọi người mua sắm gần nhà hơn. Xu hướng này cũng xảy ra với cửa hàng tiện lợi. Nhiều cửa hàng mọc lên hơn. Các gia đình cũng tiết kiệm hơn”, ông Schulz nói thêm.