Cửa hàng hoa của cặp vợ chồng khuyết tật ở chợ Hồ Thị Kỷ
Từ lúc đổ bệnh, Quốc Lực (38 tuổi) và Bích Cho (34 tuổi) chưa từng nghĩ sẽ tìm được 'nửa kia' của mình. Yêu nhau 6 năm, anh chị chính thức nên duyên vợ chồng vào tháng 9/2018.
“Chỉ mong đủ cơm ngày 3 bữa, cả hai luôn khỏe mạnh, vui vẻ” là ước mơ nhỏ bé của anh Doanh Quốc Lực (38 tuổi, Bắc Kạn) và chị Lê Thị Bích Cho (34 tuổi, Bình Định).
Sau một tai nạn từ năm 15 tuổi, anh Lực mất khả năng đi lại, cột sống bị ảnh hưởng nặng nề. Đang là người khỏe mạnh, bỗng phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào gia đình, anh từng có ý định muốn từ bỏ mọi thứ. Vào thời điểm đó, sự chăm sóc tận tụy của mẹ là động lực để anh sống tiếp.
“Mất khoảng 10 năm, tôi mới cân bằng được cuộc sống. Nhờ người thân, bạn bè động viên, tôi lấy lại ý chí, làm quen với xe lăn và tìm một công việc cho riêng mình”, anh Quốc Lực nói với Zing.
12 năm trước, chị Cho được chẩn đoán mắc bệnh viêm tủy cổ và bị liệt toàn thân. Đang trong độ tuổi năng động, nhiều hoài bão, căn bệnh này khiến chị phải nằm một chỗ, tưởng chừng như bị liệt suốt đời.
Đã có lúc, chị Cho nghĩ mình không qua khỏi, đành bỏ dở ước mơ. Suốt 8 năm tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, chị mới dần hồi phục và đi lại được.
Hiện 2 vợ chồng là chủ một tiệm hoa nhỏ trong chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM).
Đám cưới cổ tích
Năm 2012, anh Lực theo đoàn hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn vào TP.HCM sinh sống.
Lần đầu gặp nhau ở trung tâm học nghề, anh Lực đã ấn tượng ngay với cô gái có nụ cười tỏa nắng, tính cách lạc quan, nhanh nhẹn. Còn chị Cho thầm mến chồng mình ở vẻ ngoài thư sinh, hiền lành.
Trước khi gặp được nửa kia, anh Lực - chị Cho chưa từng nghĩ đến việc lập gia đình hay tìm bạn đời. Đi lại khó khăn, không thể làm việc nặng, cả hai đều lo ngại mình sẽ trở thành gánh nặng cho người thân.
“Tôi cũng không nghĩ là mình sẽ lấy vợ, sinh con. Lúc đó, chúng tôi chỉ xem nhau như tri kỷ, một người bạn để tâm sự chứ chưa dám nghĩ đến kết hôn”, anh Lực kể lại.
Sau khi học nghề xong, anh Lực không xin được việc làm ở TP.HCM nên trở về Bắc Kạn. Thời gian đó, chị Cho từng về thăm quê nhà của anh một tháng để động viên người yêu. Cảm động trước sự chân thành của đối phương, anh chị mạnh dạn hơn trong chuyện tình cảm. Anh quyết định chuyển hẳn vào miền Nam để sinh sống và cùng chị cố gắng.
Yêu nhau 6 năm, mọi gian truân, thử thách được kết lại bằng một đám cưới cổ tích. Năm 2018, hôn lễ của anh chị được tổ chức thông qua chương trình đám cưới tập thể cho người khuyết tật tại TP.HCM.
Cuộc sống không dễ dàng, mỗi người một khó khăn riêng. Anh Lực - chị Cho chỉ biết cố gắng hết sức cùng nhau vun vén tổ ấm.
Mơ ước mở một tiệm hoa
Trước khi bén duyên với nghề cắm hoa, cả hai từng làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống, từ kim hoàn, bán vé số dạo…
Có lúc, 2 vợ chồng phải đèo nhau trên chiếc xe máy chạy vòng quanh các chợ để bán bông. Nhưng nhận thấy những công việc này không ổn định, nắng mưa thất thường nên anh chị học thêm cắm hoa.
“Sau khi đổ bệnh, tôi tính đi học may để mở bàn sửa quần áo nhưng tay yếu nên không làm tiếp được. Không có sức khỏe tốt như mọi người, hay bệnh tật, việc bán dạo cũng khó duy trì lâu dài. Suy đi tính lại, tôi biết mình thích hoa, yêu cái đẹp nên nghĩ cách mở một cửa hàng hoa để được làm việc đúng đam mê”, người vợ chia sẻ.
Học nghề được một năm, gom hết tiền tiết kiệm, mượn thêm của gia đình, cả hai chính thức biến ước mơ thành hiện thực. Tiệm hoa đầu tiên của hai người được mở ở đường Đặng Chất (quận 8, TP.HCM).
Những ngày đầu chỉ có hai vợ chồng là thời điểm khó khăn nhất của anh chị. Sức khỏe kém, chồng đi lại không tiện, vợ yếu 2 tay nhưng mọi công việc trong tiệm đều do cả hai gánh vác, từ di chuyển đồ nặng, nhận đơn hàng, đi mua hoa... Anh chị chỉ biết cố gắng hết sức, động viên nhau nỗ lực mỗi ngày.
Sau này tích góp được một số vốn, anh Lực - chị Cho mới dời tiệm hoa về chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) rồi thuê thêm nhân viên phụ. Ở đây, anh chịu trách nhiệm nhận đơn hàng, thiết kế, in bảng tên, thiệp chúc mừng. Còn chị đảm nhận quán xuyến cửa hàng, phụ thợ cắm hoa, chăm lo cho gia đình.
Quả ngọt tình yêu
Lúc mới mở hàng, chưa quen cách làm, hai vợ chồng phải mất cả buổi mới cắm xong một chậu bông. Dần dần, cả hai tìm ra được điểm yếu để khắc phục, tốc độ nhanh hơn. Bây giờ, chỉ khoảng 20-30 phút là cả hai làm xong một giỏ hoa.
Cửa hàng nhỏ của Quốc Lực - Bích Cho mở cửa từ 6h-22h. Những ngày có đơn hàng nhiều, anh chị lại làm xuyên đêm. Trong dịp lễ, Tết, đôi vợ chồng không dám nghỉ ngày nào, luôn tất bật để kịp hoàn thành đơn hàng của khách.
Thời điểm tháng 10 tới tháng 3 đầu năm là những tháng hoa bán chạy nhất. Mỗi ngày nhận được ít nhất 20-30 đơn. Thời gian còn lại trong năm chủ yếu là để duy trì cửa tiệm.
“Có nhiều đêm làm xong mệt quá, đến khuya mới được ăn cơm, ngồi đâu ngủ đấy luôn”, anh cười, kể.
Nhờ sự chu đáo, tận tình của ông bà chủ, nhiều khách quý mến, thường xuyên ghé mua ủng hộ, còn giới thiệu thêm người quen.
"Mình làm như tên mình, vừa làm vừa 'Cho'. Cắm hoa thoải mái chút, thêm bông này, bông kia, gói giấy này, giấy kia, có khi lố chút tiền, nhưng mình thoải mái, khách hài lòng", chị Cho nói.
Công việc bận rộn, từ lúc mở hàng đến giờ, cả hai chỉ về quê được vài lần, mỗi mùa Tết cũng chỉ nghỉ 2-3 ngày. Năm nay, Valentine rơi đúng ngày mùng 3, anh Lực - chị Cho dự định không về quê mà mở cửa bán xuyên Tết.
Mỗi chậu hoa đều được anh chị đặt hết tâm huyết của mình, tỉ mỉ chỉnh sửa cho hoàn hảo, đúng với ý của khách nhất. “Làm trong ngành dịch vụ mà, những dịp lễ, Tết như vậy mọi người được nghỉ thì mình phải hoạt động năng suất nhất”, chị Cho tâm sự.
Những ngày vắng khách, chị lại nấu cơm để hai vợ chồng cùng ăn ngay tại cửa hàng. Có vợ nấu ăn ngon, đặc biệt là đặc sản của Bình Định, anh Lực biết mình may mắn.
Ban ngày bận rộn làm việc, nhưng cứ tối đến, sau khi đóng cửa hàng, hai người lại dành thời gian để tâm sự.
"Có chuyện gì cũng kể với bả. Không bao giờ giấu gì. Hôm nay anh thấy em gói bó bông này đẹp hơn mọi hôm. Mai anh muốn ăn cá. Em có thích mua chiếc áo này không. Đó, mấy chuyện nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng lúc nào cũng phải chia sẻ. Vợ vui là cả nhà vui. Vợ hài lòng thì mình được hưởng nhiều nhất", anh Lực kể "bí kíp" chiều vợ và giữ cho căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 luôn đầy ắp niềm vui.
“Ngày nghỉ, đóng hàng, hai vợ chồng đưa nhau đi chơi, ăn tối, nói chuyện. Cả hai đều ốm yếu, không thể có con nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Tôi chỉ mong sao doanh thu đủ cơm ngày 3 bữa, dành dụm được một khoản tiền cho tuổi già là mãn nguyện”, Bích Cho nói với Zing.