Cửa hàng kinh doanh truyền thống hay siêu thị?
Hiện nay, một số người cho rằng, các cửa hàng kinh doanh truyền thống mất dần 'đất sống' vì sự phát triển của các siêu thị tiện lợi. Tuy nhiên, mỗi mô hình kinh doanh đều có lợi thế riêng.
Siêu thị tiện lợi và cửa hàng kinh doanh truyền thống là 2 loại hình bán lẻ phổ biến hiện nay. Qua khảo sát cho thấy, một bộ phận người dân đã thay đổi, tiếp cận thói quen tiêu dùng mới khiến cửa hàng kinh doanh truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và có nguy cơ mất dần vị thế, số lượng khách hàng giảm nhiều so với thời gian trước khi siêu thị tiện lợi xuất hiện.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trên địa bàn tỉnh Long An có hơn 330 siêu thị tiện lợi như Bách hóa Xanh, San Hà, Winmart,... đang hoạt động. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh - Võ Thiện Ngộ cho rằng, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi theo hướng đề cao sự tiện lợi. Điều này giúp các siêu thị tiện lợi phát triển mạnh trong thời gian qua.
Hệ thống các siêu thị thường xuyên có chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm mới lạ nên khá thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn thích đi chợ, ghé các cửa hàng truyền thống để mua sắm vì sự quen thuộc, gần gũi và chọn được những món hàng mà trong siêu thị chưa có.
Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị tiện lợi NTMartex - Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, siêu thị tiện lợi có không gian mua sắm hiện đại, bắt mắt, khách hàng tự do lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm tra nguồn gốc rõ ràng. Song, siêu thị tiện lợi vẫn có những hạn chế riêng như hàng hóa tươi sống sẽ không bằng những khu chợ truyền thống, chi phí mặt bằng, đầu tư cao, thời gian hoàn vốn lâu,...
“Công ty chúng tôi vừa mở một siêu thị tiện lợi với tổng chi phí đầu tư ban đầu hơn 800 triệu đồng tại TP.Tân An. Đây là cửa hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An và cũng là một thách thức lớn của công ty khi chưa nắm rõ thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng tại đây” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Mỗi mô hình kinh doanh đều có thị trường riêng. Theo đó, chợ hay các cửa hàng kinh doanh truyền thống vẫn có một lượng khách hàng ổn định vì những ưu điểm như hàng hóa tươi sống, có thể thương lượng giá cả, không gian mua sắm gần gũi, thân thiện hơn,...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Út (SN 1973, chủ cửa hàng tạp hóa bán lẻ lâu năm tại phường 3, TP.Tân An) bộc bạch: “Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu bán buôn và gắn bó cho đến nay nên đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong kinh doanh. Cửa hàng của gia đình vừa bán rau, củ, quả,... vừa bán tạp hóa, khách hàng chủ yếu là người quen lâu năm và một số ít khách vãng lai. Lợi nhuận của cửa hàng khá ổn định, trung bình hơn 10 triệu đồng/tháng,...".
Mặt khác, người đi siêu thị thường dành thời gian để tham quan, cân nhắc lựa chọn, so sánh các loại sản phẩm. Mỗi lần mua sắm ở siêu thị thường tốn từ 1-2 giờ, còn cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ phù hợp với người đang gấp, không phải đợi lâu, muốn mua đồ dùng hàng ngày.
Ông Võ Thiện Ngộ cho biết thêm: “Hiện nay, có nhiều sự chuyển đổi trong ngành bán lẻ nên có thể có sự dao động giữa các tiện ích và dịch vụ được cung cấp bởi các siêu thị tiện lợi và cửa hàng kinh doanh truyền thống. Siêu thị tiện lợi có thể tập trung vào việc cung cấp các mặt hàng cơ bản, trong khi các cửa hàng kinh doanh truyền thống có thể mở rộng sự lựa chọn kinh doanh của họ. Chợ, các cửa kinh doanh truyền thống hay hệ thống các siêu thị đều có những ưu điểm, nhược điểm và có một bộ phận khách hàng riêng”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cua-hang-kinh-doanh-truyen-thong-hay-sieu-thi-a169130.html