Cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn đón 200 container nông sản xuất khẩu mỗi ngày
Tình hình xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn đang tăng trưởng ổn định, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 container hàng hóa được thông quan sang Trung Quốc.
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng sơn, tính đến ngày 23/2/2025, tổng lượng xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng đạt 1.133 xe, trong đó có 197 xe xuất khẩu gồm 122 xe chở hoa quả và 75 xe chở các mặt hàng khác, trong khi nhập khẩu đạt 936 xe, bao gồm 916 xe hàng hóa và 20 xe mới.
Đến 20h00 cùng ngày, tổng số xe chờ xuất khẩu là 141 xe, tăng 11 xe so với ngày trước đó, trong đó có 105 xe chở hoa quả (tăng 18 xe) và 36 xe chở các mặt hàng khác. Trong vòng 24 giờ qua, có 208 phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên cửa khẩu.
Theo ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lưu lượng xe nông sản xuất khẩu đã có sự gia tăng dần theo từng ngày. Bình quân mỗi ngày, khoảng 200 container nông sản được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh. Với sự hoàn thiện, nâng cấp các bến bãi theo quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn cam kết đảm bảo năng lực thông quan thông suốt, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ.

Trung bình mỗi ngày, khoảng 200 xe chở nông sản được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.
Thông lệ hàng năm, từ tháng 4 trở đi, lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cao do đây là thời điểm nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn đã chủ động các phương án dự phòng. “Chỉ cần có dấu hiệu lượng xe xuất khẩu tăng mạnh, chúng tôi sẽ lập tức điện đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để điều tiết nhịp độ thông quan, tránh tình trạng ách tắc cục bộ”, ông Duy cho biết.
Chủ trương nhất quán của tỉnh Lạng Sơn là ưu tiên tối đa cho xe nông sản xuất khẩu. Theo ông Đoàn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã được chỉ đạo phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa lưu thông nhanh chóng.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có hai tuyến đường chuyên dụng phục vụ xuất nhập khẩu với kim ngạch lớn, kết nối trực tiếp với Trung Quốc, bao gồm đường chuyên dụng tại khu vực mốc 1088/2 - 1089 và mốc 1119 - 1120, thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trong đó, tuyến đường chuyên dụng khu vực mốc 1088/2 - 1089, trước đây hoạt động theo mô hình cặp chợ biên giới, đã được nâng cấp và chính thức mở theo hình thức cửa khẩu quốc tế từ tháng 5/2024.
Việc nâng cấp này đồng nghĩa với việc tất cả các mặt hàng xuất khẩu qua tuyến đường này, đặc biệt là nông sản, phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về kiểm định chất lượng theo quy chuẩn xuất nhập khẩu chính ngạch. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm, đồng thời gia tăng giá trị thương mại của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã và đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kho bãi, trung tâm logistics, cũng như áp dụng công nghệ số vào quá trình quản lý xuất nhập khẩu nhằm nâng cao năng lực thông quan. Với những điều chỉnh phù hợp, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng xuất khẩu chính ngạch thay vì phụ thuộc vào phương thức giao dịch tiểu ngạch vốn nhiều rủi ro.
Một trong những vấn đề đáng lưu ý mà lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh là việc doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần chủ động thích ứng với các yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và phương thức giao dịch. Trước đây, không ít thương nhân Việt Nam thường mang hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm đối tác mua hàng, dẫn đến tình trạng bị ép giá hoặc hàng hóa ùn ứ do không tìm được người mua kịp thời.
Tuy nhiên, với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là việc siết chặt các quy định liên quan đến kiểm dịch thực vật, xuất khẩu chính ngạch đang trở thành xu thế tất yếu. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ vườn và hợp tác xã cần chủ động chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và bao bì đóng gói theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, việc ký kết hợp đồng ngoại thương rõ ràng, minh bạch cũng là yếu tố quan trọng giúp hạn chế rủi ro. Các doanh nghiệp cần xác định rõ phương thức thanh toán, cơ chế bảo lãnh để đảm bảo giao dịch an toàn, tránh những tranh chấp dân sự không đáng có.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh các vùng sản xuất cần phải giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và đóng gói trái cây theo đúng tiêu chuẩn bởi Trung Quốc đang ngày càng khắt khe hơn với chất lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là nông sản tươi sống. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng thích ứng với những tiêu chuẩn này, nguy cơ bị trả hàng hoặc bị đình chỉ xuất khẩu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa lợi thế của thương mại điện tử và nền tảng số để mở rộng kênh tiêu thụ. Các nền tảng như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và hệ thống phân phối trực tuyến có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng Trung Quốc, giảm bớt sự phụ thuộc vào thương nhân trung gian.