Cửa khẩu đóng mở thất thường, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD (tăng gần 21%). Song xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm gần 31% so với năm ngoái.
Bộ NN&PTNT vừa cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm ước đạt gần 14,2 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD (tăng 20,9%); nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD (tăng 10%).
Đóng góp chung cho toàn ngành, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD (tăng 10,2%); sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD (giảm 3,5%); thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD (tăng 47,2%), lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, (tăng 17%); nhóm đầu vào sản xuất khoảng 367 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm, thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), tăng gần 13% so với năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới khoảng 70% kim ngạch.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 1,3 tỷ USD (chiếm 16,2% thị phần), giảm gần 31% so với năm ngoái. Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt kiểm dịch, và các cửa khẩu đóng mở thất thường, xuất khẩu rau quả sang thị trường này không còn là mặt hàng có giá trị lớn nhất, thay vào đó nhóm cao su, chiếm tới 33,3% kim ngạch.
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới để đạt được mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD cần tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia thuộc ASEAN, Nga, Séc…; tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE...
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đồng thời tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.