Cửa sáng cho ngành công nghiệp tái chế
Năm 2024, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất chính thức đi vào hiệu lực, hứa hẹn mở ra 'ánh sáng cuối đường hầm' cho ngành công nghiệp tái chế vốn lạc hậu, manh mún suốt hàng chục năm.
Nếu như ngành công nghiệp tái chế đã hình thành và phát triển suốt hơn 40 năm thì ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, cùng những người cộng sự, đã gắn bó ngót nghét hơn 20 năm với nghiệp “biến rác thành vàng”.
“Độ những năm 2000, chúng tôi là những người đầu tiên thu gom, tái chế rác thải nhựa để kéo thành sợi polyester, cũng là những người đầu tiên nghĩ ra chiếc máy ép kiện để ép chặt chai nhựa lại, giảm bớt thể tích, tiết kiệm công vận chuyển”, ông Vượng cho biết.
Lăn lộn với nghề, ông Vượng cùng những người anh em phải đối phó với muôn vàn “chiêu” như phun nước, tẩm cát vào phế liệu để tăng khống khối lượng, mà ông Vượng gọi vui là “dân gian”.
Chính những người dân ở các làng nghề tái chế đã nghĩ ra cách để tách chiếc lò xo ra khỏi lọ dầu gội một cách hoàn hảo nhất, tẩy lớp keo dán cũ, dầu nhớt cũ trong các chai lọ sao cho sạch nhất.
Nhưng cũng chính những người dân, ở các làng nghề tái chế, chẳng cần phải là giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học gì, đã nghĩ ra cách để tách chiếc lò xo ra khỏi lọ dầu gội một cách hoàn hảo nhất, tẩy lớp keo dán cũ, dầu nhớt cũ trong các chai lọ sao cho sạch nhất.
Ngành phế liệu diễn ra một cách âm thầm, hình thành một chuỗi khép kín từ thu gom đến tái chế như vậy. Ở đó, không thiếu sự sáng tạo, không thiếu những tiềm năng nhưng vẫn mãi manh mún, lạc hậu, đâu đó vẫn còn những bát nháo, chộp giật.
Đó là một ngành công nghiệp hơn 40 năm vẫn chưa chịu lớn.
Bước chuyển
Tin tưởng rằng ngành tái chế có ý nghĩa quan trọng cho xã hội và “một ngày nào đó sẽ được trả về đúng vị trí của nó” là lý do ông Vượng cùng những người anh em, cộng sự vẫn quyết tâm “bám trụ” với nghề, quyết tâm tìm cách từng bước bài bản hóa, chuẩn hóa chuỗi thu gom, tái chế.
Tính đến nay, mạng lưới của VietCycle đã thu gom và tái chế được 5 nghìn tấn phế liệu nhựa mỗi tháng, công suất gấp hàng chục lần so với những ngày đầu tiên. Một nhà máy tái chế hiện đại, dự án liên kết của VietCycle với Tập đoàn Alba châu Á, chuẩn bị được khởi công trong thời gian tới, khi hoàn thành có thể đạt công suất gần 50 nghìn tấn nhựa mỗi năm.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, con số đó là chưa đủ so với tốc độ phát sinh chất thải nhựa đang không ngừng gia tăng những năm gần đây.
May mắn, ông Vượng cùng đội ngũ VietCycle không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại “ô nhiễm trắng”.
Nhà máy Nhựa tái chế DUYTAN (DTR) được khởi công từ năm 2019, đi vào hoạt động với công suất 30 nghìn tấn nhựa mỗi năm, hướng đến 100 nghìn tấn nhựa mỗi năm khi hoàn thành 3 giai đoạn, đã vẽ ra một hình hài khác của ngành công nghiệp tái chế.
Sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, nhà máy của DTR đảm bảo tiêu chí “ba không” - không nước thải, không khí thải và không chất thải rắn phát sinh ra môi trường. Chất lượng nhựa tái chế đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho thực phẩm và xuất khẩu được ra các thị trường tiên tiến.
Không phải tất cả phế liệu nhựa đều có thể tái chế để tạo ra bao bì đựng thực phẩm. Đối với những phế liệu chất lượng thấp hơn, cần những giải pháp khác, điển hình như công nghệ sản xuất bê tông nhựa xanh đang được Công ty CP Lagom Việt Nam áp dụng.
Giải pháp của Lagom tìm được lối ra mới cho phế liệu nhựa, đồng thời cũng tiết giảm việc khai thác đá làm đường. Ngoài ra, phần bê tông cũ bị lão hóa hoàn toàn có thể được chế biến trở lại để tiếp tục sử dụng thay vì trở thành rác thải xây dựng.
Những lĩnh vực tái chế khác cũng đang tương đối sôi động, với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lon nhôm, loại bao bì có tiềm năng tái chế 100%, đang được thu gom, xử lý theo chương trình “Tái chế không giới hạn can to can” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Lagom, TBC Ball Việt Nam cùng hai doanh nghiệp Thái Lan là Anglo Asia và UACJ triển khai thực hiện.
Những chiếc săm, lốp xe cao su, đang được Tái chế cao su Long Long sử dụng để chế tạo vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, hay được doanh nhân Nguyễn Tiến Cường, con rể của “Vua dép lốp” Phạm Quang Xuân, biến thành những chiếc dép chất lượng cao, mang đầy hoài niệm thời kháng chiến.
Các nhà tái chế, với nhiều phương cách, sáng kiến, đang không ngừng “biến rác thành vàng”, nhờ niềm tin vào sứ mệnh cao cả của ngành công nghiệp tái chế, cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng đang mở ra cho ngành.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Năm 2024, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức đi vào hiệu lực, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp, mở đầu với ngành hàng bao bì, pin sạc, ắc quy, dầu nhớt và săm lốp, phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm sau tiêu dùng thông qua lựa chọn các hình thức: tự tổ chức thu gom, tái chế, thuê đơn vị thứ ba thu gom, tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Nói về EPR, ông Vượng nhiều lần nhấn mạnh, là “chìa khóa xây dựng ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn”. Bởi lẽ, có thêm nguồn lực hỗ trợ, có thêm sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà tái chế sẽ có điều kiện mở rộng đầu tư để nâng cao chất lượng.
Mặt khác, EPR tạo ra một sân chơi chung cho ngành công nghiệp tái chế, với luật chơi mới hướng đến tính chuyên nghiệp, bài bản, tạo ra sản phẩm tái chế tốt mà không gây hại tới môi trường.
Cơ hội từ EPR, theo ông Vượng, cũng là cơ hội để VietCycle chia sẻ tới đội ngũ thu gom ve chai, đồng nát, những “người thân trong gia đình” của các nhà tái chế. Hệ thống ve chai, đồng nát của ông Vượng hiện nay đã lên đến con số hàng ngàn người, được VietCycle và các đối tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền thuê nhà, công cụ lao động, đóng bảo hiểm y tế.
VietCycle cũng thành lập hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét, quy tụ các nhà thu gom, tái chế phế liệu thành một thể thống nhất, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm EPR.
Còn đối theo ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững DTR, công cụ EPR sẽ hấp dẫn thêm nhiều doanh nhân, nhà đầu tư tham gia vào ngành công nghiệp tái chế.
Ông Lê Anh tin tưởng, giống như DTR được thành lập bởi đội ngũ doanh nhân, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm ngành nhựa, những doanh nhân, chuyên gia trong các lĩnh vực khác có thể đưa ra lời giải cho bài toán tái chế các loại phế liệu, rác thải từ kim loại, thủy tinh cho tới rác hữu cơ.
Các nhà sản xuất cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thực thi EPR để đảm bảo tính minh bạch và hài hòa lợi ích.
Công ty CP Tái chế bao bì PRO Việt Nam được thành lập bởi Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, tổ chức quy tụ hơn 20 thành viên trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, vừa qua đã chính thức được Bộ Tài nguyên và môi trường công nhận là tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì.
Để được công nhận là tổ chức ủy quyền, PRO Việt Nam đã triển khai nhiều dự án, thí điểm nhiều mô hình thu gom tái chế, qua đó tìm ra được những mô hình phù hợp và có tiềm năng nhân rộng.
Các thành viên của PRO Việt Nam như TH Truemilk, Coca Cola Việt Nam, La Vie, Nestlé Việt Nam… cũng là những cái tên tiên phong thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chất thải như loại bỏ màng co nắp chai, sử dụng nhựa tái sinh thay cho nhựa nguyên sinh trong bao bì.
Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam, nhìn nhận, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đối tác quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cua-sang-cho-nganh-cong-nghiep-tai-che-1708427332446.htm