Cửa Việt ở phía mặt trời lên

(QTXuân) - Mới đây, khi trò chuyện với PGS-TS Đoàn Triệu Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã lý giải tại sao có tên Cửa Việt. Từ đó mải miết luận bàn những ý tưởng táo bạo để “nâng tầm” Cửa Việt thành một đô thị, một khu kinh tế sầm uất nơi cửa biển; kết nối gần hơn với thành phố Đông Hà, khai thông Hành lang kinh tế Đông-Tây mở lối ra Thái Bình Dương.

 Đưa gỗ dăm lên tàu ở cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N.K

Đưa gỗ dăm lên tàu ở cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N.K

Để luận giải về một địa danh phải bám vào cứ liệu lịch sử nhưng với Cửa Việt là khẳng định ranh giới bờ cõi của nước Đại Việt mang dấu chân Huyền Trân. Bởi chỉ cách Cửa Việt không xa, ngay trên trục đường xuyên Á còn hiện hữu đền thờ công chúa. “Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng/Giai nhân muôn dặm một đời đau” (Thơ Ngô Thì Nhậm). Tôi lần tìm trong sử cũ mới biết thêm Cửa Việt từ thời các Chúa Nguyễn đã là thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền. Nơi đây ngoại thương diễn ra khá náo nhiệt, tàu thuyền các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan vào Cửa Việt buôn bán, gắn với ngôi làng Mai Xá Thị dọc theo sông Hiếu lên chợ Phiên (Cam Lộ) trao đổi hàng hóa giữa miền ngược với miền xuôi. Ngay từ thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì kinh tế ngoại thương cửa biển xứ Đàng Trong đã hơn hẳn xứ Đàng Ngoài, ấy là nhờ viễn kiến trước biển của các bậc đế vương.

Một ngày nắng hiếm hoi, tôi cùng Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị Lê Văn Châu thả bộ trên bến cảng Cửa Việt. Gió từ biển mang hơi nước mát lành, nắng ửng phía đằng đông và tiết trời trong xanh nhìn rõ đảo Cồn Cỏ. Trong tiếng ầm ào của còi tàu vào “ăn hàng” phả từng cột khói xoáy tròn lớp sóng biển, anh Châu cho biết hiện nay bến cảng Cửa Việt nằm trong khu vực hàng hải Cửa Việt, bao gồm 3 cầu cảng và 1 bến phao. Trong đó cầu cảng số 1 và số 2 là cầu cảng tổng hợp tổng chiều dài 128 m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 2.000 tấn, công suất 400.000 tấn/năm. Cầu cảng tổng hợp Hợp Thịnh chiều dài 100 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn, công suất 400.000 tấn/năm. Bến phao xăng dầu Hưng Phát - Cửa Việt là loại bến phao mềm gồm 4 phao neo tàu, chiều dài 270 m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng có trọng tải đến 40.000 tấn, công suất 340.000 tấn/năm. Hàng hóa xuất nhập cảng Cửa Việt chủ yếu là thạch cao, gỗ dăm và titan. Ở bên bờ Nam có Bến cảng CFG Nam Cửa Việt của Công ty TNHH CFG Quảng Trị đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận bao gồm 4 cầu cảng có tổng chiều dài 510 m, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000 DWT. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 2 cầu cảng tổng chiều dài 270 m; giai đoạn 2 đầu tư xây dựng 2 cầu cảng phía thượng lưu tổng chiều dài 240 m. Và một bến cảng thuộc Dự án kho xăng dầu Việt Lào tại Khu bến Nam Cửa Việt bao gồm một bến dạng liên tục liền bờ có chiều dài 110m cho tàu xuất xăng dầu có trọng tải đến 3.000 tấn và một bến phao nhập xăng dầu cho tàu có trọng tải 40.000 tấn đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.

 Bờ Nam cảng Cửa Việt- Ảnh: LÊ ĐÌNH CẢNH

Bờ Nam cảng Cửa Việt- Ảnh: LÊ ĐÌNH CẢNH

Nằm ở tuyến đầu của Hành lang kinh tế Đông-Tây và ở cuối Quốc lộ 9, cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 90 km, cảng Cửa Việt được xem là “điểm nhấn” để thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Mặt khác, cảng Cửa Việt chỉ cách vùng Đông Bắc Thái Lan 300 km theo đường xuyên Á, khoảng cách này ngắn hơn nhiều nếu so với 1.000 km nếu đi ngược về hướng vịnh Thái Lan hoặc biển Myanmar. Đây được coi là một lợi thế để cảng Cửa Việt phát triển thành cảng lớn, giúp cho việc lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Hiện nay hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển được quan tâm đầu tư xây dựng, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng sẽ tạo ra đột phá về kinh tế. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng vận tải đường biển tại Việt Nam tăng nhanh tạo cơ hội thuận lợi cho Quảng Trị hình thành tổ hợp cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ngay điểm cuối đường 9 của Hành lang kinh tế Đông-Tây. Cuối năm 2020 tỉnh Quảng Trị khởi động dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây có tổng chiều dài dự án là 55,7 km, gồm đoạn 1 từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt dài 44 km; đoạn 2 từ đường ven biển đến thành phố Đông Hà dài 11,7 km với tổng mức đầu tư 2.970 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, cùng với Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tế biển; tạo điểm nhấn để thu hút du khách từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về tham quan, du lịch biển.

Công trình trọng điểm này còn kết nối trung tâm thành phố Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mở ra không gian rộng lớn cho các địa phương với mục tiêu phát triển trục đô thị ven biển, phát triển và mở rộng thành phố Đông Hà về phía Đông; tăng năng lực vận chuyển, khả năng kết nối bên ngoài nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Do đó, định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển thành vùng trọng điểm kinh tế đa lĩnh vực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó là các chính sách quốc tế và khu vực như Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông-Tây, các hiệp định Thương mại tự do (FTA); Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPT-AFTA; Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang diễn tiến theo xu thế hội nhập sâu hơn, tạo cơ hội để Quảng Trị hội nhập kinh tế khu vực, tăng tốc nền kinh tế. Một khi kết nối được các hành lang kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mũi nhọn kinh tế, đồng thời chia sẻ lợi ích, liên kết, hợp tác với các quốc gia láng giềng cùng phát triển. Đây chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biển, tỉnh Quảng Trị quan tâm đến 2 trụ cột chính đó là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và khu vực Cửa Việt - Cửa Tùng. Trước mắt tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, khai thác tối đa năng lực cảng Cửa Việt, mở ra cơ hội giao thương với các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua Hành lang kinh tế Đông- Tây. Do đó, tỉnh huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ chế chính sách để phát huy nhanh nhất các dự án trọng điểm như Khu dịch vụ-du lịch ven biển, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, thương mại nhằm hình thành được các khu chức năng lớn về dịch vụ, thương mại, du lịch tập trung để thu hút các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Từ đó rút ngắn khoảng cách giữa thành phố Đông Hà với các vùng trọng điểm kinh tế ven biển, hình thành các khu đô thị dọc bờ biển mà hạt nhân là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng Cửa Việt. Đây là định hướng mang tầm chiến lược trong tổng quan phát triển kinh tế của tỉnh mà Cửa Việt chính là “thỏi nam châm” ở phía Đông, ở phía mặt trời lên, đưa Quảng Trị vươn ra những chân trời rộng mở...

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155371