Cuba - Điểm sáng chống COVID-19 giữa tâm dịch Mỹ Latinh
Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ Latinh trở thành tâm dịch COVID-19 mới trên thế giới, các trường hợp nhiễm virus tại Cuba đã giảm đáng kể nhờ có những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ hàng ngày, bác sĩ gia đình Liz Caballero phải đến những căn hộ cũ kỹ, sâu hút trong các con hẻm ngoằn ngoèo tại quận Vedado, thủ đô La Habana để tìm những người có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Không có gì là lạ khi chúng tôi đến nhà từng người dân như thế này. Chúng tôi đã làm điều đó khi dịch sốt xuất huyết càn quét thành phố”, bác sĩ Caballero nói.
Khi Tổ chức Y tế thế giới WHO xác định châu Mỹ Latinh trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới, thì điều đáng ngạc nhiên là trong suốt 2 tháng trở lại đây, các trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại Cuba đã giảm rõ rệt. Người Cuba có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp hơn 24 lần so với người Mexico và thấp hơn 70 lần so với người Brazil.
Cuba đã đóng cửa biên giới muộn hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt từ cuối tháng 3, đất nước này đã vượt qua được cơn càn quét virus SARS-CoV-2 một cách thần kỳ.
Nhà nước đã huy động hàng chục nghìn bác sĩ gia đình, y tá và sinh viên y khoa tham gia vào công cuộc chủ động sàng lọc người mắc COVID-19 hàng ngày tại tất cả các gia đình trên đảo quốc vùng Caribe. Từ thứ 2 đến Chủ nhật, bác sĩ Caballero và những sinh viên y khoa khác phải đi bộ nhiều cây số, theo dõi 328 gia đình trong khu vực giám sát của mình.
“Không có quốc gia nào trong khu vực có thể làm mọi cách để tiếp cận với điều này. Một tổ chức của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cuba sẽ kết nối chặt chẽ với người dân, xác định các vấn đề sức khỏe khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng và giải quyết ngay lập tức. Về mặt khoa học, chúng tôi biết rằng việc xác định nhanh các trường hợp mắc bệnh, theo dõi và cách ly là cách duy nhất để ngăn chặn virus lây lan khi chưa có vắc-xin phòng ngừa. Chiến lược ngăn chặn này của hệ thống y tế Cuba là hoàn toàn phù hợp”, ông William Leogrande, chuyên gia của Chính phủ tại Đại học Mỹ ở Washington DC, cho biết.
Tính đến ngày 8/6, Cuba đã ghi nhận 2.191 trường hợp mắc COVID-19 và 83 ca tử vong. Bất kỳ ai xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này cũng đều phải nhập viện. Những người bị nghi mắc bệnh sẽ được đưa đến các trung tâm cách ly của nhà nước trong 14 ngày.
Alejandro Gutíerrez, một giáo viên người Pháp 26 tuổi, đã quyết định rời Havana vào tháng 4 để đến Trinidad. Tuy nhiên, anh và gia đình đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát quân sự và được đưa đến một trung tâm cách ly - một căn biệt thự nghỉ dưỡng không sử dụng. Tại đây, họ được chăm sóc tận tình, theo dõi chặt chẽ và được kiểm tra sức khỏe 3 lần một ngày.
Bà Gail Reed, Tổng biên tập tạp chí Medicc Review, cho rằng với hệ thống y tế toàn diện, Chính phủ Cuba có thể chỉ đạo phòng dịch một cách thống nhất thay vì các chiến lược nhỏ lẻ.
“Các trường hợp không có triệu chứng được xác định thông qua việc theo dõi tiếp xúc, sau đó là xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm dương tính, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase có thể phát hiện mầm bệnh trên cơ thể”, bà nói.
Việc truy tìm các ca nhiễm bệnh và cách ly nhanh chóng tại Cuba được thực hiện hiệu quả bởi nguồn nhân lực dồi dào. Cuba có tỷ lệ bác sĩ/bệnh nhân cao nhất thế giới, thậm chí dù trong số đó đã có 10.000 bác sĩ đã được điều động đến làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngay cả khi nguồn chi cho y tế đã bị cắt giảm, đảo quốc Caribe này đã đầu tư tỷ lệ GDP vào việc chăm sóc sức khỏe cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Trong khi 30% trong số 630 triệu người ở Mỹ Latinh và Caribe không thể tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe vì lý do tài chính, theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ, mọi người dân Cuba đều được miễn tiền khám, chữa bệnh.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Lancet đã phát hiện rằng cách ly tập trung có hiệu quả hơn cách ly tại nhà. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã phải đấu tranh để lập các trung tâm cách ly này do thiếu sự thừa nhận xã hội hoặc nhận thức tiêu cực của cộng đồng. Còn tại Cuba, không có sự truy đòi pháp lý đối với cách ly bắt buộc. Đồng thời, việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng cũng trở thành yêu cầu bắt buộc và những người cố tình không đeo khẩu trang có thể bị phạt.
Hơn nữa, 28.000 sinh viên y khoa tại Cuba sẵn sàng tham gia hỗ trợ các bác sĩ và y tá phát hiện các triệu chứng bệnh, theo dõi tiếp xúc thì mới có đủ điều kiện tốt nghiệp.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng COVID-19 chỉ là "một bệnh cúm nhỏ", ông đã sa thải các bộ trưởng kêu gọi giãn cách xã hội. Vào thời điểm đó, Cuba lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và nghiêm túc.
“Thành công thực sự của họ đã được tạo nên bởi các biện pháp y tế công cộng cần thiết nhất, được các chuyên gia trên khắp thế giới nhận định là có hiệu quả", bà Reed nói.