Cuba ghi dấu 6 thập niên chịu lệnh trừng phạt của Mỹ
Vào ngày 7/2, Cuba ghi dấu mốc 60 năm chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vốn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đảo quốc này đồng thời chưa có dấu hiệu được nới lỏng.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết vào ngày 3/2/1962, Tổng thống Mỹ khi đó John F. Kennedy đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh cấm vận thương mại song phương có hiệu lực 4 ngày sau đó.
Tổng thống Kennedy nhấn mạnh mục đích của lệnh cấm là nhằm giảm rủi ro từ Cuba và các đồng minh xã hội chủ nghĩa.
Lệnh trừng phạt của Mỹ sau 6 thập niên vẫn tồn tại và giới chức Cuba đánh giá rằng nó đã gây thiệt hại đến 150 tỷ USD cho nền kinh tế nước này.
Cuba đang hứng chịu khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm qua do tác động của dịch COVID-19.
Cuba đã tìm đến Nga và Trung Quốc để nhận hỗ trợ. Vào tháng 1, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về “đối tác chiến lược” qua điện đàm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov gần đây cho biết Moskva không loại trừ khả năng triển khai quân sự đến Cuba nếu căng thẳng với Washington liên quan đến Ukraine gia tăng.
Nhà khoa học chính trị Rafael Hernandez đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ ban đầu đóng vai trò “công cụ quân sự và chiến lược” trong ngữ cảnh chiến tranh. Theo ông Hernandez mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, thì lệnh trừng phạt vẫn là “lợi ích địa chính trị” của Mỹ trong quyết định lập trường đối với Cuba.
Tổng thống Mỹ Joen Biden đến nay vẫn chưa thể hiện dấu hiệu nới lỏng lệnh trừng phạt với Cuba.