Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra xử lý vi phạm quảng cáo sữa Hikid, Nutri Brain IQ
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vừa yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra xử lý các vi phạm quảng cáo sữa Hikid và thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ.
Yêu cầu của Cục ATTP đưa ra sau khi nhận phản ánh từ báo chí về việc vi phạm quảng cáo của 2 sản phẩm này.


Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra xử lý vi phạm quảng cáo 2 loại sữa này.
Cụ thể, theo Cục ATTP, trước đó, các phương tiện truyền thông đã phản ánh về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ có dấu hiệu "thổi phồng" công dụng thành "thần dược chữa bệnh tự kỷ".
Trong khi đó, tại bản tự công bố, sữa Nutri Brain IQ thực chất chỉ là thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ chứ không phải là sữa "chữa tự kỷ" như nhân viên đã quảng cáo. Sản phẩm do Công ty TNHH tổ hợp Thương mại và Đầu tư quốc tế Hoàng Gia có địa chỉ số nhà 27, đường 3.9/1 Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội phân phối.
Theo Cục ATTP, điều này vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.
Việc quảng cáo Nutri Brain IQ công dụng thành "thần dược chữa bệnh tự kỷ", đã và đang lấy đi "cơ hội vàng" để chữa bệnh của nhiều trẻ tự kỷ.
Đối với sữa Hikid, trong một clip quảng cáo đã so sánh "100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi". Sữa Hikid do Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam
Được biết, trong thông cáo phát đi hôm 14/4, Công ty Phương Linh thừa nhận thiếu sót khi so sánh "hàm lượng 2 mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi", do chưa có cơ sở khoa học hoặc tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể. Công ty này cho biết sẽ điều chỉnh theo hướng minh bạch.
Ngoài ra, trên một số fanpage quảng cáo sữa này xuất hiện cụm từ "Hikid - số 1 chiều cao"; đồng thời, hãng sữa này cũng sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng để tăng độ tin cậy cho sản phẩm.
Theo quy định Luật An toàn thực phẩm, mọi tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo sản phẩm đều phải đăng ký, xin phép và đảm bảo nội dung quảng cáo phù hợp với tác dụng đã được công bố. Luật cũng nghiêm cấm sử dụng hình ảnh hoặc tên tuổi bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, các cơ sở y tế trong quảng cáo thực phẩm. Đối với các quảng cáo sử dụng yếu tố khẳng định như "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số1" đơn vị quảng cáo phải tuân thủ chặt chẽ các quy định để đảm bảo thông tin không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường công tác hậu kiểm.
Cụ thể, cục yêu cầu tăng cường hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em...
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra về hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo… phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.