Cực bắc từ chính thức rời Canada hướng về Nga, ảnh hưởng GPS toàn thế giới

Vị trí của cực bắc từ Trái Đất chính thức thay đổi, tiếp tục dịch chuyển khỏi Canada và hướng về Siberia. Điều đó khiến các hệ thống định vị GPS phải cập nhật.

Vị trí mới của cực bắc từ

Vị trí mới của cực bắc từ

Các chuyên gia từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Cục Khảo sát Địa chất Anh (BGS) đã hợp tác tạo ra một Mô hình Từ trường Thế giới (WMM) mới có độ chính xác hơn. Bản cập nhật cực kỳ quan trọng đối với công nghệ dựa trên từ trường của Trái đất, cụ thể là Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) và các hệ thống định vị dựa trên vệ tinh khác được sử dụng ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhà mô hình hóa từ trường toàn cầu William Brown, thuộc BGS hôm 17.12 cho biết: "WMM chính thức được phát hành ngày hôm nay, đảm bảo người dùng có thể có thông tin cập nhật nhất để họ có thể tiếp tục điều hướng chính xác trong năm năm tới".

Cực bắc địa lý khác cực bắc từ

Trong khi điểm cực bắc địa lý vẫn cố định tại chỗ (ở đỉnh của trục quay của Trái đất), cực bắc từ trường là một điểm luôn thay đổi được xác định bởi các khối kim loại lỏng “lắc lư” xung quanh lõi ngoài của Trái đất. Các kim loại nóng chảy này có tính dẫn điện và chuyển động liên tục do sự quay của hành tinh và sự đối lưu do nhiệt. Theo nguyên lý của điện từ, chuyển động của các ion kim loại giống như dòng điện, dẫn đến tạo ra từ trường có hai cực. Khi sắt và niken bên trong hành tinh của chúng ta dịch chuyển, từ trường của Trái đất cũng vậy.

Điều đó nghĩa là 2 cực từ của Trái đất cũng liên tục di chuyển. Nếu bạn đang sử dụng la bàn hoặc hệ thống GPS, việc biết chính xác các điểm này là rất quan trọng. Phiên bản mới càng có tầm quan trọng cấp thiết vì chuyển động của cực bắc từ ngày càng bất thường.

Cực bắc từ lần đầu tiên được Sir James Clark Ross phát hiện ở miền bắc Canada vào năm 1831. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã dần có thể theo dõi nó với độ chính xác cao hơn, bằng cách sử dụng các phép đo mặt đất được thực hiện trên toàn cầu cũng như các phép đo từ vệ tinh trong không gian.

Kể từ khi được phát hiện, cực bắc từ của Trái đất đã di chuyển khoảng 2.250 km qua các vùng phía trên của Bán cầu Bắc từ Canada về phía Siberia. Từ năm 1990 đến năm 2005, tốc độ dịch chuyển của cực tăng từ dưới 15 km mỗi năm lên khoảng 50 đến 60 km mỗi năm. Và giờ, nó lại giảm tốc đi rất khó đoán định.

Cực từ trường ngày càng bất định

William Brown cho biết: "Hành vi hiện tại của Cực bắc từ là điều mà chúng ta chưa từng quan sát thấy trước đây. Cực bắc từ đã di chuyển chậm quanh Canada kể từ những năm 1500 nhưng trong 20 năm qua, nó đã tăng tốc về phía Siberia. Nó vốn tăng tốc độ hằng năm cho đến khoảng 5 năm trước, nó đột nhiên giảm tốc từ 50 xuống còn 35 km mỗi năm. Đây là độ giảm tốc lớn nhất mà chúng ta từng thấy".

Nghiên cứu cho thấy rằng hai thùy từ khổng lồ - một bên dưới Canada và một bên dưới Siberia - là nguyên nhân thúc đẩy sự dịch chuyển của cực bắc từ. Đôi khi, sự dịch chuyển này đủ lớn để cần phải cập nhật khẩn cấp, ngoài chu kỳ 5 năm thông thường.

Bây giờ chúng ta đã có bản đồ chính xác hơn về cực bắc từ và bản đồ này sẽ có giá trị trong khoảng 5 năm nữa. Lần đầu tiên, bản đồ có độ phân giải cao hơn cũng có sẵn, cung cấp chi tiết hơn 10 lần: bản đồ có độ phân giải không gian khoảng 300 km tại đường xích đạo so với 3.300 km tiêu chuẩn.

Theo BGS, nếu bạn sử dụng WMM cũ để định vị khi đi 8.500 km từ Nam Phi đến Vương quốc Anh theo đường thẳng, bạn lệch hướng 150 km so với WMM mới vào cuối hành trình.

Đó là sự khác biệt lớn mà nó có thể tạo ra. Do vậy, các công ty lập bản đồ và logistics, cùng với chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ phải thực hiện các bản cập nhật. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không phải áp dụng bất kỳ bản cập nhật nào cho điện thoại hoặc hệ thống định vị vệ tinh của cá nhân vì tất cả sẽ diễn ra tự động.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuc-bac-tu-chinh-thuc-roi-canada-huong-ve-nga-anh-huong-gps-toan-the-gioi-227379.html