'Cực chẳng đã' người dân mới chặn xe vào mỏ đá ở Hải Phòng!
Trước tình trạng các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, mặc dù nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Cực chẳng đã người dân phải ra đường chặng xe vào mỏ.
Mới đây, do lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của gia đình mình người dân thôn 5,6 xã An Sơn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã chặn đường không cho xe ra vào khu vực mỏ khai đá Kiên Ngọc. Trước đó, việc người dân ở đây cũng đã nhiều lần chặn xe chở đá ra vào khu vực mỏ nhưng cũng chỉ được 1 thời gian thì tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tái diễn.
Theo người dân địa phương cho biết quá trình khai thác mỏ đá Kiên Ngọc không chỉ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân mà còn gây mất an toàn trong quá trình nổ mìn khai thác đá: “Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ việc nổ mìn mỗi ngày 2 lần, trong quá trình khai thác, khói bụi bay vào khu dân cư khiến đời sống người dân bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gia đình chúng tôi”, một người dân bức xúc nói.
Được biết Công ty Kiên Ngọc được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản theo Giấy phép số 246/GP-UBND ngày 29/1/2013. Cấp cho công ty được khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi phía Tây Nam khu B, núi Trại Sơn, xã An Sơn với tổng diện tích hơn 16ha, tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3.
Cho dù khi đưa vào vận hành khai thác, Công ty Kiên Ngọc cũng đã thực hiện đền bù, hỗ trợ môi trường đối với các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chưa thỏa đáng và một số hộ vẫn không được hỗ trợ.
Chiều ngày 6/3, Chủ tịch UBND xã An Sơn tổ chức buổi đối thoại giữa công ty TNHH Kiên Ngọc và toàn thể người dân thôn 5,6. Trước những câu hỏi của người dân ông Nguyễn Văn Quynh, đại diện doanh nghiệp Kiên Ngọc thừa nhận việc doanh nghiệp không tuân thủ việc nổ mìn theo đúng quy định trong hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đá Kiên Ngọc là ngày 2 lần vào cuối giờ sáng và cuối giờ chiều mỗi ngày. Việc đó là sai, có thời điểm doanh nghiệp đã tự ý cho nổ mình khai thác đá vào đầu giờ chiều hoặc sáng sớm, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân thôn 5,6 xã An Sơn. Tuy nhiên, một số nội dung phía doanh nghiệp đưa ra người dân vẫn chưa nhất trí.
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND xã An Sơn Nguyễn Văn Đăng đã yêu cầu phía công ty Kiên Ngọc trong quá trình khai thác đá phải chấp hành nghiêm quy định của luật khai thác khoáng sản, nhất là vấn đề môi trường.
Trước đó, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra thông báo số 123/TB-UBND, thông báo về việc tạm dừng hoạt động nổ mìn khai thác tại mỏ đá vôi phía Tây nam, khu B – Trại Sơn của công ty TNHH Kiên Ngọc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên. Yêu cầu công ty TNHH Kiên Ngọc tạm dừng hoạt động nổ mình khai thác tại mỏ đá, để xác định bán kính an toàn khi nổ mìn. Khẩn trương phối hợp với UBND xã An Sơn tổ chức đối thoại với một số hộ dân thôn 5,6 về việc bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản, vật kiến trúc bị ảnh hưởng, thiệt hại trong bán kính an toàn nổ mìn (nếu có).
Vào ngày 30/12/2023, người dân tại xóm Tân Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tập trung, chặn lối ra vào mỏ đá Lộc Môn của Công ty TNHH Thương mại Nam Phương để phản đối vì cho rằng đơn vị này khai thác đá, gây ô nhiễm môi trường. Mỏ khai thác này có vị trí gần đường Hồ Chí Minh, xung quanh là hàng trăm hộ dân sinh sống, đặc biệt, có những hộ chỉ cách mỏ đá khoảng 100m.
Theo tìm hiểu, mỏ đá Lộc Môn từng bị đình chỉ vào tháng 4/2023. Đến khoảng đầu tháng 12, mỏ đá được khai thác trở lại. Người dân cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh do quá trình khai thác đá tiếp tục tái diễn. Theo người dân xóm Tân Sơn, mỗi khi mỏ đá nổ mìn, bụi bao trùm hết cả tuyến đường khiến các phương tiện bị hạn chế tầm nhìn. Bụi bẩn cũng len lỏi vào tất cả các ngôi nhà xung quanh. Người dân lau chùi liên tục nhưng không lâu sau, lớp bụi dày lại xuất hiện. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Vào cuối năm 2022, tại xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng từng diễn ra tình trạng tương tự, người dân đã dùng gậy gộc, cây cối, đá … chặn đường vào khu khai thác mỏ để phản đối hoạt động của các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường và lún nứt nhà dân. Vụ việc đã khiến cho con đường vào mỏ bị tắc nghẽn, hàng trăm xe tải lớn nhỏ không thể di chuyển.
Đây cũng không phải là lần đầu người dân địa phương đã dùng cách này để buộc các mỏ khai thác đá phải có trách nhiệm trong việc gây ô nhiễm môi trường và nổ mìn gây lún, nứt nhà dân.
Ông Nguyễn Văn Tám, 45 tuổi người dân địa phương bức xúc nói: Hoạt động của các mỏ đá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân chúng tôi không chỉ tiếng ồn, khói bụi mà mỗi lần nổ mình làm hư hỏng nhà cửa từ các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng gây ra. Dù ý kiến, đơn từ nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết, cực chẳng đã người dân chúng tôi mới phải làm như thế này.
Phải sống trong cảnh khói bụi, tiếng nỏ mình, tiếng ồn từ hoạt động khai thác đá và hoạt động của các xe trọng tải lớn đi lại trên các con đường dân sinh, tàn phá đường xá, gây bụi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mới thấu hiểu được cuộc sống của người dân và mới hiểu được vì sao họ phải ra chặn xe vào mỏ cũng chỉ là việc làm ‘cực chẳng đã’.
Theo các chuyên gia về pháp lý và môi trường, việc doanh nghiệp hoạt động không tuân theo các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường đã bị báo chí phản ánh nhiều và cũng đã có nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Nhất là các vụ việc nổ mìn sai thời gian, vượt quá giấy phép được cấp. Trong vụ việc tại Hải Phòng này, cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường chắc chắn sẽ vào cuộc kiểm tra và có câu trả lời thỏa đáng cho bà con nhân dân.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta cũng cần đề cập đến câu chuyện vai trò quản lý, giám sát của chính quyền địa phương cơ sở nơi mỏ đá Kiên Ngọc đứng chân. Thông thường, người dân khi có bức xúc, kiến nghị sẽ gửi đến chính quyền cơ sở đầu tieenm ở đây là cấp xã. Và chính quyền cấp xã trong quyền hạn của mình phải có những động thái, biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân cũng như chấn chỉnh những việc làm chưa tuân theo các quy định pháp luật của doanh nghiệp (nếu có căn cứ). Ở đây, rất cần các cấp chính quyền vào cuộc một cách quyết liệt để người dân sớm được sống trong bầu không khí trong lành.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các dự án khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vật liệu xây dựng trên nói riêng phải tuân thủ ngiêm ngặt theo đúng cam kết của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cấp phép, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động có hại, và nếu để xảy ra sự cố thì phải đền bù thiệt hại. Chủ dự án phải chịu sự giám sát về BVMT của các cơ quan chức năng của các cơ quan báo chí, của cộng đồng dân cư.