Cục CSGT: Không để xử lý nồng độ cồn bị chùng xuống

Tối ngày 22-1, thông tin với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, dịp Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục đợt cao điểm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100...

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu xuân 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, nhất là sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, đã huy động các lực lượng, tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao, được nhân dân và cơ quan truyền thông đồng tình, ủng hộ, nhiều địa phương có kết quả xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT kiểm tra tài xế trên cao tốc.

Lực lượng CSGT kiểm tra tài xế trên cao tốc.

Điển hình các địa phương có kết quả xử lý cao như: CSGT các tỉnh, thành phố Tây Ninh, Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh, Long An, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Định, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái... Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục duy trì, thường xuyên và liên tục.

Tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, Cục CSGT yêu cầu Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay việc chỉ đạo với tinh thần cao nhất; CSGT cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện, tham mưu cho giám đốc công an tỉnh, thành phố huy động lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an cơ sở… để tiến hành thường xuyên, liên tục kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến giao thông đối với người điều khiển ô tô và mô tô cả trong các ngày Tết, không để việc kiểm soát và xử lý bị chùng xuống.

Cũng theo đó, tất cả các vụ tai nạn giao thông thuộc trách nhiệm giải quyết của CSGT đều phải tiến hành kiểm tra về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Khi thực hiện nhiệm vụ, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và người tham gia giao thông, đề phòng các đối tượng tấn công, chống người thi hành công vụ.

CSGT các tỉnh chủ động thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100, nhất là việc xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn, để dư luận tiếp tục đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, kết quả công tác xử lý vi phạm (từ ngày 1-1 đến 20-1), lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 11.064 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 40 tỷ 564,3 triệu đồng.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 769 trường hợp, TPHCM 583 trường hợp, Thanh Hóa 538 trường hợp, Đắk Lắk 512 trường hợp, Đồng Nai 441 trường hợp, Phú Thọ 375 trường, Kiên Giang 359 trường hợp, Hà Nội 349 trường hợp, Gia Lai 325 trường hợp, Bình Phước 304 trường hợp, Long An 293 trường hợp, ...

Trong đó, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: TPHCM 239 trường hợp, Trà Vinh 169 trường hợp, Kiên Giang 168 trường hợp, Long An 159 trường hợp, Đồng Nai 157 trường hợp…

Có 9 địa phương (Bến Tre, Bình Đinh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc) đã có xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuc-csgt-khong-de-xu-ly-nong-do-con-bi-chung-xuong-641889.html