Cục Đăng kiểm sẽ duyệt triệu hồi hơn 8.000 xe Toyota trong vài ngày tới
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phát đi thông tin đang làm rõ một số vấn đề và sẽ phê duyệt đợt triệu hồi hơn 8.000 xe Toyota gặp lỗi túi khí Takata trong vài ngày tới.
Sau khi Tiền Phong đăng tải thông tin việc Toyota Việt Nam đăng ký tiếp chương trình triệu hồi để thay hơn 8.000 túi khí Takata vào ngày 13/12, chiều nay (14/12), đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết cơ quan này sẽ tiến hành phê duyệt triệu hồi hơn 8.000 xe Toyota gặp lỗi túi khí Takata trong vài ngày tới đây.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, Cục này và Toyota Việt Nam đang trao đổi làm rõ một số vấn đề trước khi ban hành quyết định phê duyệt triệu hồi hơn 8.000 xe này.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng trưởng Ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam cho biết, hơn 8.000 xe tiếp tục được triệu hồi này là dòng Corolla Altis.
Với việc hơn 8.000 xe Corolla Altis sắp được triệu hồi, số lượng xe Toyota gồm các dòng Vios, Yaris và Corolla Altis bị ảnh hưởng sẽ được kiểm tra, thay thế túi khí Takata là gần 30.000 xe. Tuy nhiên, một số lượng lớn hơn 40.000 xe còn lại sử dụng túi khí Takata cho ghế ngồi hành khách phía trước, chủ yếu là dòng Vios và Corolla Altis vẫn chưa được Toyota Việt Nam thông báo triệu hồi do chờ đợi quyết định từ hãng mẹ.
Trong khi đó, trên diễn đàn của câu lạc bộ những người dùng dòng xe Toyota Corolla Altis ở Việt Nam, nhiều thành viên có các xe Altis sản xuất từ năm 2010 đến 2017 bởi Toyota Việt Nam đang tỏ ra băn khoăn về việc những xe nào sẽ thuộc diện triệu hồi để kiểm tra, thay thế miễn phí liên quan đến lỗi túi khí Takata.
Người dùng Trần Minh Thuật (Thái Bình) sở hữu chiếc Altis mua tháng 3/2014 và khách hàng Phạm Ngọc Đỉnh (Trung Văn, Hà Nội) có chiếc Altis đời 2010 cho biết họ mong muốn nhà sản xuất sớm công bố chiến dịch triệu hồi để khách hàng có thể biết những chiếc xe này có nằm trong danh sách hay không.
Theo khuyến cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, túi khí phía trước bên phía hành khách do công ty Takata sản xuất, sau thời gian tiếp xúc lâu dài với môi trường với độ ẩm và nhiệt độ cao, bộ thổi khí có thể bị hơi ẩm xâm nhập và biến đổi có thể hoạt động không bình thường theo thiết kế. Trường hợp xe bị va chạm và hệ thống túi khí được kích hoạt, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ. Trong trường hợp cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương cho hành khách, lái xe và người đi cùng.