Cục Đăng kiểm sẽ không trực tiếp thực hiện đăng kiểm phương tiện
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao Bộ xây dựng Đề án 'Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm'.
Theo Bộ GTVT, đề án có định hướng nội dung phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm (dịch vụ công).
Đáng chú ý sẽ xác định rõ những nội dung quản lý nhà nước do Bộ GTVT; UBND các tỉnh, thành phố; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Sở GTVT thực hiện. Tiếp tục phân cấp về công tác đăng kiểm giữa Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam với chính quyền địa phương.
Ngoài ra đề án còn làm rõ định hướng, lộ trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong đó giải quyết triệt để cơ chế tài chính của Cục cho đúng quy định (tách bạch khối tham mưu giúp việc Cục trưởng và khối thực thi nhiệm vụ đăng kiểm), biên chế hành chính và số lượng người làm việc của Cục.
Bộ GTVT dự kiến trình Đề án “Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm” trong vòng 45 ngày kể từ khi chủ trương này được Thủ tướng chấp thuận.
Gần đây tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xảy ra một số vụ việc vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông.
Đánh giá của Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn tiêu cực.
Đặc biệt việc Cục Đăng kiểm vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật; mô hình tổ chức, biên chế; cơ chế tài chính chưa tương đồng với mô hình cục quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Hạn chế lớn đầu tiên là việc Cục Đăng kiểm vừa tham mưu Bộ trưởng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công tác đăng kiểm nhưng đồng thời Cục đang trực tiếp thực hiện công tác cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật, chứng nhận chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao.
Điều này dẫn đến chưa tách bạch nhiệm vụ tham mưu với công tác tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành. Thực tế, các tổ chức trực thuộc Cục (phòng tham mưu giúp việc Cục trưởng) vừa tham mưu cơ chế, chính sách, vừa là chủ thể trực tiếp thực thi nhiệm vụ đăng kiểm viên.
Do đó cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công mà Cục đang thực hiện như hiện nay theo hướng Cục Đăng kiểm chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước. Việc tổ chức thực thi công tác đăng kiểm để chủ thể khác độc lập và các cơ quan, đơn vị của địa phương thực hiện.
Hạn chế lớn thứ hai là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay cả nước có 323 đơn vị đăng kiểm, trong đó có 42 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (24 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 18 đơn vị thuộc các Sở GTVT).
Bên cạnh đó có 281 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 69 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 192 đơn vị thuộc doanh nghiệp tư nhân).
Số lượng các đơn vị đăng kiểm ngày càng gia tăng do xã hội hóa, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm ngày càng khó khăn, phức tạp, cần phải phân cấp, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cục Đăng kiểm Việt Nam không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cũng không có tổ chức thanh tra chuyên ngành nên không thể chủ động thực hiện công tác này đối với các địa phương.
Việc phân cấp hợp lý, rõ ràng nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam và địa phương trong công tác đăng kiểm sẽ bảo đảm mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tránh lẫn lộn, chồng chéo là vấn đề hết sức cần thiết.