Cục Di sản Văn hóa từng có ý kiến với Hà Giang về công trình đồ sộ trên đèo Mã Pì Lèng

Sự xuất hiện của công trình 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng vấp phải phản ứng dữ dội khi phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Sự xuất hiện của một công trình mang tên Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã gây xôn xao trong dư luận những ngày qua. Theo thông tin phản ánh, công trình được xây dựng với quy mô 7 tầng với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê… nằm ở vị trí đắc địa trên đèo Mã Pì Lèng, có tầm nhìn ra hẻm vực sông Nho Quế và quang cảnh núi non hùng vĩ.

Công trình Panorama 7 tầng đồ sộ trên đèo Mã Pì Lèng gây bức xúc trong dư luận

Công trình Panorama 7 tầng đồ sộ trên đèo Mã Pì Lèng gây bức xúc trong dư luận

Ngày 12/7, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu tỉnh Hà Giang kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình này, đồng thời có biện pháp bảo vệ danh lam thắng cảnh.

Sự xuất hiện của công trình 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

Sự xuất hiện của công trình 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang sau đó đã có buổi làm việc với UBND huyện Mèo Vạc gồm các phòng, ban của huyện Mèo Vạc, UBND xã Pả Vi và chủ đầu tư công trình nói trên. Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, Sở VHTT&DL đã ra báo cáo kết luận rằng: Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về đất đai, hiện chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với mục đích sử dụng là “Đất trồng cây hàng năm khác”, chưa phải đất thổ cư, xây dựng; Công trình chưa có giấy phép xây dựng.

Vị trí xây dựng công trình nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích, danh thắng Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

“Đến nay, công trình chưa được cấp phép đầu tư, chưa được phê duyệt, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản đề nghị Sở VHTT&DL tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL cho ý kiến như đã nêu trên.Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư”, văn bản nêu rõ./.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ ở đèo Mã Pì Lèng.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ ở đèo Mã Pì Lèng.

Đèo Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pì Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

Ngày 16/11/ 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất với hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/di-san/cuc-di-san-van-hoa-tung-co-y-kien-voi-ha-giang-ve-cong-trinh-do-so-tren-deo-ma-pi-leng-963302.vov