Cục diện khó lường, phức tạp và không ít cơ hội
Thế giới năm 2023 khép lại với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên nền tảng của gam màu 'ba bất': bất ổn, bất định, bất an. Những diễn biến này được dự báo sẽ mở ra một cục diện năm 2024 khó lường và phức tạp hơn ở nhiều khía cạnh, đồng thời cũng mang đến không ít cơ hội cho tất cả chủ thể trong hệ thống quốc tế có thể tận dụng để thích ứng vươn lên, bao gồm cả các nước vừa và nhỏ.
Năm của những cuộc bầu cử sẽ định hình thế giới
Trong năm 2024, dự kiến sẽ có hơn 40 cuộc bầu cử diễn ra tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả của các cuộc bầu cử được cho là có thể tác động sâu rộng không chỉ tới tương lai của chính các quốc gia, vùng lãnh thổ đó, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới khu vực và toàn cầu. Có thể kể đến 3 cuộc bầu cử tiêu biểu, như cuộc bầu cử ở Mỹ, Nga và Đài Loan (Trung Quốc).
Những chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm cuối nhiệm kỳ sẽ có nhiều tác động thực chất đến tình hình thế giới hơn là những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Duy trì viện trợ cho cả 2 cuộc xung đột cùng một lúc sẽ tạo gánh nặng lớn đối với ngân sách của Mỹ; đồng thời, chịu thêm áp lực từ dư luận sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả bầu cử. Do đó, tìm ra giải pháp hòa bình, chấm dứt ít nhất 1 trong 2 cuộc xung đột sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống J. Biden trong năm 2024. Ở phía bên kia chiến tuyến, tại nước Nga, theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ tham gia tranh cử vào năm 2024 - động thái có thể giúp ông tiếp tục nắm quyền ít nhất đến năm 2030. Với tỷ lệ ủng hộ hơn 80% và hầu như không có sự phản đối chính thức nào của công chúng đối với việc Tổng thống V. Putin tiếp tục nắm quyền, có thể thấy đến nay chưa xuất hiện “đối thủ” nào thực sự “nặng ký” đủ sức “đe dọa” cơ hội tái đắc cử của Tổng thống V. Putin.
Cục diện của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong năm 2024 có thể bị ảnh hưởng đáng kể, khi ngày 13-1-2024 diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc) để bầu chọn người lãnh đạo mới của vùng lãnh thổ này. Cả Mỹ và Trung Quốc đều theo dõi sát sao sự kiện, bởi cuộc bầu cử sẽ quyết định giai đoạn tiếp theo trong chính sách đối ngoại của Đài Loan (Trung Quốc). Hai đảng chính của Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) cầm quyền và Quốc dân Đảng (KMT) đối lập, đã vạch ra các chiến lược hoàn toàn khác biệt. DPP ủng hộ độc lập, củng cố mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khi tăng cường năng lực răn đe quân sự thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng và cải cách. KMT ủng hộ thống nhất với Trung Quốc đại lục, hứa hẹn sẽ giảm thiểu căng thẳng bằng cách mở lại đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở hai phía của eo biển Đài Loan (Trung Quốc) thuộc về một quốc gia.
Tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp
Những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraina trong năm 2023 và cuộc gặp tại thành phố San Francisco (Mỹ) giữa Tổng thống Mỹ J. Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 được đánh giá “có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng sâu rộng”, để lại “dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung Quốc”; góp phần quan trọng trong việc định hình tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc nói chung, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc nói riêng trong năm 2024.
Từ cuộc gặp thượng đỉnh của 2 nhà lãnh đạo, có thể thấy triển vọng hợp tác kinh tế trong năm 2024 khó có nhiều bước tiến nổi bật; tuy nhiên, hai bên sẽ tìm kiếm những giải pháp cạnh tranh phù hợp để duy trì trạng thái quan hệ ổn định. Xuyên suốt nhiệm kỳ nói chung và năm 2023 nói riêng, chính quyền Tổng thống J. Biden đã cố gắng khắc phục những hạn chế đối với mạng lưới đồng minh do chính quyền tiền nhiệm để lại. Kết quả tích cực có thể kể đến, như việc Nhật Bản tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng, Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Australia và đạt thỏa thuận với Philippines cho phép Mỹ tiếp cận một số căn cứ quân sự... Tuy nhiên, xu hướng này nhiều khả năng không được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2024 khi chính quyền Tổng thống J. Biden muốn ổn định mối quan hệ với Trung Quốc nhằm tập trung cho chiến dịch tranh cử diễn ra vào cuối năm 2024.
Chính sách của Trung Quốc có phần khó đoán định hơn. Theo một số dự báo, Trung Quốc có thể tranh thủ cơ hội Mỹ đang tập trung cho các vấn đề tranh cử trong nước để gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc), tăng cường các hành động can dự tại Biển Đông hoặc tranh thủ sự ổn định trong quan hệ với Mỹ để phục hồi kinh tế và giải quyết những vấn đề nội bộ trong nước.
Một điểm đáng chú ý trong năm 2024 là nhiều khả năng cạnh tranh về công nghệ với cuộc chạy đua về chip bán dẫn có thể trở thành trọng tâm trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Gần đây, sự ra đời của điện thoại Huawei Mate 60 Pro với con chip Kirin 9000s được sản xuất bởi nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC được đánh giá mang tính biểu tượng sâu sắc. Cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2019 với những lệnh cấm và các đạo luật ban hành trong cả thời kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống J. Biden gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành chip bán dẫn Trung Quốc. Với những tín hiệu trên, có thể dự báo cuộc cạnh tranh công nghệ mà trọng tâm là chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024 sẽ còn quyết liệt và gay gắt hơn.
Tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc tiếp tục là nhân tố chính chi phối đời sống quốc tế trong năm 2024. Chính sách của Nga dần nghiêng về phía Trung Quốc. Tuy 2 nước Nga và Trung Quốc khó có thể trở thành đồng minh thực sự, song mức độ gắn kết đến đâu phụ thuộc vào mức độ hành động của Mỹ đối với cả Nga và Trung Quốc trong năm 2024. Theo giới chuyên gia, chừng nào Mỹ còn chưa thành công với ý đồ “hòa hoãn” với một bên để tập trung vào đối tượng còn lại, mối quan hệ Nga - Trung Quốc vẫn trong trạng thái gắn kết chặt chẽ.
Cạnh tranh chiến lược nước lớn làm nóng thêm những xung đột tiềm tàng hoặc hiện hữu trong năm 2024. Cuộc xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông có thể làm giảm những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, đặc biệt đối với các nền kinh tế châu Âu. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraina nhiều khả năng sẽ còn kéo dài trong năm 2024, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực, năng lượng và nguyên liệu thô.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo
Năm 2023 chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, các sản phẩm AI có tính sáng tạo trong ngành công nghệ và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại trong năm 2024 khi AI được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới. Do vậy, các quốc gia hàng đầu, bao gồm Trung Quốc, các nước lớn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ thường xuyên phải có những điều chỉnh, xây dựng các chính sách AI toàn diện, nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích các đột phá công nghệ, thu hút đầu tư toàn cầu và bảo vệ người dân trước những hậu quả “không mong muốn” của AI. Sự hợp tác toàn cầu về các tiêu chuẩn và quy chuẩn AI có thể sớm được hiện thực hóa. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ AI vào các lĩnh vực quân sự, quốc phòng sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2024. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng sẽ liên tiếp cho ra mắt những sản phẩm AI mới. Tiêu biểu có thể kể tới GPT-4, hay mới nhất là mô hình AI Gemini được cho là thông minh nhất hiện nay của Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia Google (Mỹ). Tăng kích thước tập dữ liệu đang được chứng minh là cách thức hiệu quả nhất để nâng cao hiệu suất của các mô hình AI. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục định hình sự phát triển của các mô hình AI thế hệ mới vào năm 2024.
Các cuộc bầu cử, cạnh tranh nước lớn (trọng tâm là tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc), các vấn đề an ninh chiến lược trên phạm vi khu vực cũng như toàn cầu và những bước tiến mới của khoa học - công nghệ sẽ là những chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trong năm 2024 và nhiều năm tiếp theo. Thế giới năm 2024 đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội lớn. Sự đan xen lợi ích đã tạo nên gắn kết đủ mức để các quốc gia hiểu rõ hơn sự hợp tác là một phần không thể thiếu. Cho dù có sự đối trọng lẫn nhau, các chiến lược lớn vẫn dành không gian cho hợp tác quốc tế. Đây chính là điều giúp các nước vừa và nhỏ giảm thiểu được áp lực “chọn bên”, một nước có thể tham gia nhiều sáng kiến tập hợp lực lượng của các bên đối đầu. Thông qua đó, các nước này có thể giành được vị trí phù hợp, tham gia xây dựng một trật tự thế giới mới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc..., mà còn cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - với tư cách tổ chức khu vực “trung tâm” - đều có những cơ hội rộng mở hơn.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuc-dien-kho-luong-phuc-tap-va-khong-it-co-hoi-705099.html