Cục diện Trung Đông và 'bước ngoặt' khó lường trong tương lai

Những tháng gần đây, Israel đã mở rộng quy mô các cuộc tấn công trên khắp Trung Đông, đặt ra nguy cơ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Theo AP, những tháng gần đây, Israel đã mở rộng quy mô các cuộc tấn công trên khắp Trung Đông, trải dài hơn 3.200km và nhằm vào các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn. Những nỗ lực này đang đặt ra nguy cơ thay đổi cục diện quyền lực trong khu vực, đe dọa chấm dứt 2 thập kỷ thống trị của Iran. Với sự hậu thuẫn của Washington, chiến lược quân sự của Israel đang gây tranh cãi sâu sắc, khi một bên ủng hộ mạnh mẽ, trong khi bên kia lo ngại về những rủi ro và hậu quả khó lường của chiến tranh.

Tại Washington, Tel Aviv, Jerusalem và nhiều thủ đô Ả Rập khác, các nhà lãnh đạo và chuyên gia đang có những quan điểm khác nhau về “các bước đi tiếp theo” của Mỹ trong việc hỗ trợ Israel. Mặc dù Israel đã đạt được những thành công lớn về mặt chiến thuật trước các nhóm vũ trang như Hezbollah tại Lebanon, Houthi tại Yemen, và đặc biệt là Hamas ở Dải Gaza, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về cách thức và mục tiêu cuối cùng của cuộc xung đột này.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel vào dải Gaza tháng 10/2023. Nguồn: Reuters

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel vào dải Gaza tháng 10/2023. Nguồn: Reuters

Chiến lược của Israel trước “tham vọng” hạt nhân Iran

Sau một năm, cuộc xung đột giữa Israel và Iran đã gây ra tác động to lớn, không chỉ với khu vực Trung Đông mà cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km. Theo số liệu của The Guardian, hơn 40.000 người Palestine đã thiệt mạng tại dải Gaza sau một năm chiến sự, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Gaza bị hủy hoại nghiêm trọng - ở một số khu vực thậm chí bị san phẳng hoàn toàn khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ở chiều ngược lại, hơn 100 con tin Israel vẫn còn bị Hamas giam giữ. Hơn 900 dân thường Israel và hơn 800 binh sĩ và nhân viên an ninh nước này cũng đã thiệt mạng.

"Thế bế tắc chết chóc này chỉ có thể bị phá vỡ bởi những thay đổi chính trị. Lãnh đạo ở cả hai bên dường như đều không quá thích ngừng bắn, trong khi sự chú ý đã chuyển đi nơi khác", ông Jason Burke, cây viết phụ trách an ninh quốc tế của The Guardian, viết.

Ông Richard Goldberg, cố vấn cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ tại Washington, đã kêu gọi Mỹ cung cấp “mọi sự hỗ trợ cần thiết” cho Israel, thậm chí cho đến khi chính phủ Iran “đi vào dĩ vãng của lịch sử giống như các chế độ độc tài khác trong quá khứ." Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình từ một số nhà chính trị Israel, những người mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch nhằm làm suy giảm quyền lực của Iran trong khu vực.

Cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, ông Yoel Guzansky, đã đưa ra lời kêu gọi trực tiếp hơn khi đề nghị chính quyền Tổng thống Biden tham gia cùng Israel trong các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran. Ông nhấn mạnh rằng: “Chỉ bằng cách này, Mỹ mới có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tehran: ‘Đừng đụng đến chúng tôi’.”

Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cảnh báo về việc lặp lại sai lầm trong cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003, khi vị Tổng thống thời điểm đó đã “bỏ ngoài tai” lời khuyên của các đồng minh Ả Rập rằng ông Saddam Hussein là đối trọng cần thiết đối với sự bành trướng của Iran. Các chuyên gia nhắc nhở rằng: “Một chiến thắng quân sự mà không có một kế hoạch dài hạn có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn và kéo dài xung đột.”

Một mối lo ngại khác là Iran có thể đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự sống còn của mình. Trước khi Israel tấn công Hezbollah, các nhà lãnh đạo Iran đã bày tỏ mong muốn quay trở lại đàm phán với Mỹ về tham vọng hạt nhân của họ. Tuy nhiên, khi Trung Đông “tăng nhiệt” với các cuộc tấn công ngày càng leo thang của Israel, các cuộc đàm phán này đã rơi vào bế tắc.

Chỉ trong vài tuần, các cuộc không kích và hoạt động tình báo của Israel đã gây tổn thất nặng nề cho khí tài quân sự của Hezbollah – một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất Trung Đông và là thành trì quan trọng của Iran. Các cuộc tấn công cũng đã làm suy yếu cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Houthi, nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tại Yemen. Trong khi đó, những trận “mưa bom” dồn dập của Israel vào Lebanon đã làm suy giảm đáng kể lực lượng đầu não của Hezbollah.

Israel thả bom làm rung chuyển thủ đô Lebanon tối ngày 27/9. Ảnh: AP

Israel thả bom làm rung chuyển thủ đô Lebanon tối ngày 27/9. Ảnh: AP

Các nhà phân tích nhận định, một cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào Iran có thể thúc đẩy nhanh chóng sự dịch chuyển cán cân quyền lực khu vực. Đáp trả, Iran đã phóng tên lửa đạn đạo vào Israel sau khi các lãnh đạo chủ chốt của Hezbollah và Hamas bị tấn công. Những hành động này không chỉ làm tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện, mà còn đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, đe dọa đẩy cả khu vực vào vòng xoáy xung đột không hồi kết.

Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng minh Israel và duy trì sự ổn định khu vực. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “60 Minutes” của CBS, Phó Tổng thống Kamala Harris, nhấn mạnh rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cần thiết cho Israel để tự vệ.” Bà Harris cũng cam kết Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời kêu gọi cả Israel và các đối tác Ả Rập để đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris họp tại Phòng Tình huống vào tối 1/10, theo dõi cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào Israel. Ảnh: The White House

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris họp tại Phòng Tình huống vào tối 1/10, theo dõi cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào Israel. Ảnh: The White House

Trái lại, những trận “mưa bom” dồn dập của Israel kể từ cuối tháng 9/2024 đã làm suy yếu nỗ lực hòa giải của Mỹ, Ai Cập và Qatar trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza. Mặc dù không được Israel thông báo trước về các cuộc tấn công vào lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Washington vẫn giữ vững lập trường bảo vệ mọi hành động của Israel cùng việc thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình.

Ông Vali Nasr, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến Johns Hopkins, từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Obama lo ngại rằng: “Israel có thể rơi vào một vòng xoáy của chiến tranh kéo dài nếu không có giải pháp ngoại giao phù hợp. Sự thiếu kiềm chế của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể đẩy khu vực vào tình thế bất ổn.”

Chuyên gia tại Viện Trung Đông ở Washington, bà Randa Slim cũng đưa ra nhận định tương tự khi nhắc đến thất bại của cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Theo bà, việc định hình lại trật tự Trung Đông bằng sức mạnh quân sự chưa bao giờ mang lại kết quả tích cực lâu dài. "Cuộc chiến diễn ra cứ như thể chúng ta chưa học được gì từ bài học lịch sử Iraq năm 2003," bà nói.

Trong khi đó, những người ủng hộ Israel vẫn hy vọng rằng, bằng cách đánh vào các đồng minh quân sự của Iran và gây sức ép lên chính quyền Tehran, Israel có thể làm suy yếu “liên minh chống phương Tây” của Iran với các nhóm vũ trang ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo rằng hành động quân sự mà không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của xung đột sẽ chỉ kéo theo các cuộc chiến không hồi kết. Họ lo sợ rằng, các cuộc tấn công không chỉ làm gia tăng tình trạng hỗn loạn, mà còn khiến các chính phủ trong khu vực ngày càng thắt chặt quyền lực và đàn áp thường dân để duy trì kiểm soát.

“Bước ngoặt” khó lường

Cuộc xung đột tại Gaza đã đẩy mâu thuẫn giữa Israel và trục kháng chiến - bao gồm Iran, Syria, Hamas, Hezbollah, Houthi và một số nhóm vũ trang khác - lên một nấc thang mới. Thế cân bằng lực lượng giữa các phe phái tại Trung Đông đã chứng kiến những thay đổi chóng mặt. Trục kháng chiến do Iran dẫn dắt dường như đã hứng chịu thiệt hại to lớn về chỉ huy - hàng loạt lãnh đạo cấp cao các nhóm Hồi giáo, bao gồm thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái tiến công của Israel, phản ứng của Iran tính đến nay tương đối hạn chế. Hình thức phản ứng mạnh mẽ nhất của Iran cho đến nay là hai cuộc công kích trực tiếp nhằm vào lãnh thổ Israel vào tháng 4 và tháng 10. Dù động thái này được đánh giá là tương đối nghiêm trọng, đây là lần đầu tiên Iran công khai không kích trực tiếp đối thủ - phản ứng của Tehran vẫn được cho khá "nhẹ tay" nếu xét đến những gì Israel làm. Trong khi đó, quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập khác dù chịu ảnh hưởng nhất định nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Bất chấp những nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Qatar và Mỹ, chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Giới chuyên gia nhận định một phần nguyên nhân là do cả hai phe đều chưa bị đẩy tới tình cảnh “bắt buộc xuống thang”.

Việc Israel leo thang căng thẳng với các cuộc tấn công liên tiếp trong tháng vừa qua có thể làm suy yếu liên minh “Trục kháng chiến” do Iran dẫn đầu, bao gồm các nhóm vũ trang tại Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng một cuộc chiến kéo dài có thể khiến Israel bị “sa lầy” vào một cuộc chiến tranh trên bộ tại Lebanon và đối mặt với những tổn thất lớn. Sau 4 thập kỷ thù địch sâu sắc giữa Israel và Iran, cuộc chiến lạnh giữa hai quốc gia này đang nhanh chóng biến thành một cuộc xung đột nóng bỏng, có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến lược của khu vực.

Theo bà Mehran Kamrava, giáo sư tại Đại học Georgetown ở Qatar: "Trung Đông vẫn đang đứng trước bờ vực của sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, hướng đi và bản chất của sự thay đổi này vẫn còn rất khó dự đoán.” Những bước đi tiếp theo của các bên liên quan, từ Israel, Iran, đến Mỹ sẽ quyết định tương lai của cán cân quyền lực khu vực Trung Đông, vốn đã trải qua nhiều biến động và bất ổn.

Huyền Trang (theo AP, The Guardian)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-dien-trung-dong-va-buoc-ngoat-kho-luong-trong-tuong-lai-351291.html