Cục Đường bộ kiến nghị nhiều giải pháp xử lý tình trạng xe quá tải

Theo Cục Đường bộ, quý III/2022, các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Khu QLĐB sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra hơn 30 nghìn xe, trong đó có 4.924 xe vi phạm, tước 729 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 32,59 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải thời gian qua tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường.

Do đó, Cục Đường bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục rà soát hoạt động của các KTTTX lưu động, có phương án sửa chữa, khắc phục nếu hư hỏng; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động song song với việc sử dụng cân xách tay.

Mặc khác, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, TTGT, các Sở, ngành, UBND cấp huyện để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp; Lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.

Cục Đường bộ đề nghị Bộ GTVT sớm sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT về trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó có nội dung về hệ thống cân KTTTX tự động để có cơ sở đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành; Đẩy nhanh xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135 về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT.

Xem xét chỉ đạo các Dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới (nhất là các dự án đường bộ cao tốc) đưa hạng mục cân KTTTX (tự động) vào công trình đường bộ phải đầu tư; đồng thời, chấp thuận triển khai từng bước đầu tư trạm KXTTX (tự động) trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, mật độ phương tiện cao, nhất là các phương tiện vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn (xe container, xe tải).

Các Ban QLDA trực thuộc Bộ, các chủ đầu tư thực hiện các dự án do Bộ quyết định chủ trương đầu tư… cần có các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình.

Đề nghị Cục Đăng kiểm yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm tiếp tục kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container hoán cải, các xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm theo quy định; đồng thời nghiên cứu, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý để bảo đảm sức răn đe.

Đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị cân cố định và có phương án để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo và cho phép các Nhà đầu tư BOT khắc phục, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cân KTTTX lắp đặt tại các trạm thu phí BOT; Đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc phối hợp với Bộ GTVT trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, theo đó chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm.

Phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng, bến thủy nội địa tại TP Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường;

Đồng thời, tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/cuc-duong-bo-kien-nghi-nhieu-giai-phap-xu-ly-tinh-trang-xe-qua-tai-166789.html