Cục Đường thủy đề nghị đình chỉ thuyền viên vi phạm nồng độ cồn
Cục Đường thủy vừa ra văn bản siết vi phạm ATGT đường thủy, đề nghị đình chỉ phương tiện chở khách cho đến khi người lái không có nồng độ cồn.
Cục Đường thủy nội địa VN vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan đề nghị triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.
Theo đó, Cục Đường thủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATGT, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Nghị định 139/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tạo chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả và bền vững. Trong đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp có liên quan cùng vào cuộc quyết liệt, tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cụ thể, trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở, đề nghị đình chỉ hoạt động cho đến khi trong máu hoặc hơi thở của thuyền viên, người lái phương tiện chở khách không có nồng độ cồn.
Trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, đề nghị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện theo quy định tại Nghị định 139.
Cục Đường thủy cũng yêu cầu quán triệt đến các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về ATGT đường thủy nội địa; Kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với phương tiện không bảo đảm điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, bến khách ngang sông không được cấp phép hoạt động, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ khả năng chuyên môn phù hợp.