Cục NTBD lên tiếng về vụ Công Trí và nhiều nghệ sĩ vi phạm pháp luật

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), khẳng định quan điểm rõ ràng nghệ sĩ dù là người nổi tiếng vẫn là công dân, phải tuân thủ pháp luật như mọi công dân khác và mọi hành vi vi phạm đều cần được xử lý nghiêm túc, không có vùng cấm.

Chiều 24/7, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh vụ việc nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy – cũng như hiện tượng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời gian gần đây “vướng vòng lao lý”, gây rúng động dư luận và làm dấy lên những lo ngại về sự lệch chuẩn trong ứng xử của người nổi tiếng.

Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục NTBD – cho biết, nghệ sĩ cũng là công dân, một khi đã vi phạm pháp luật phải xử lý theo đúng quy định, không có ngoại lệ.

“Từ vi phạm giao thông đến những hành vi nghiêm trọng hơn, tất cả đều phải xử lý nghiêm minh. Nghệ sĩ có khán giả, có người hâm mộ. Nếu không còn công chúng, thì họ cũng không thể gọi là nghệ sĩ", ông Dương nhấn mạnh. Do đó, một khi đánh mất niềm tin của khán giả, thì chính nghệ sĩ cũng đánh mất giá trị và chỗ đứng của mình.

Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: Trần Huấn

Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: Trần Huấn

Ông Trần Hướng Dương cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm định hướng nghệ sĩ – đặc biệt là người nổi tiếng – hành xử có văn hóa, đúng chuẩn mực, nhất là trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo ông Dương, các bộ quy tắc này không thể thay thế luật pháp, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích nghệ sĩ hành xử đúng đắn trong khuôn khổ quy định hiện hành.

Trước ý kiến cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử hiện chưa đi kèm chế tài cụ thể nên chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, ông Dương khẳng định rõ: “Các quy tắc ứng xử không thể thay thế luật pháp và cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Không riêng Nguyễn Công Trí, danh sách nghệ sĩ “nhúng chàm” liên quan đến ma túy trong những năm gần đây ngày càng nối dài. Mỗi vụ việc xảy ra lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng trống đạo đức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận người nổi tiếng.

NTK Công Trí. Ảnh: KT

NTK Công Trí. Ảnh: KT

Trước đó, khi nói về vụ việc các nghệ sĩ vướng vòng lao lý, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long thẳng thắn: “Ai vi phạm thì phải xử lý. Còn theo quan điểm cá nhân của tôi, người nổi tiếng nên bị xử nặng gấp mười lần, vì họ có ảnh hưởng xã hội, nhất là với giới trẻ. Đã là pháp luật thì ai cũng bình đẳng. Không thể có chuyện vì nổi tiếng mà được nương nhẹ – đó là điều không thể chấp nhận”.

Ông Long chỉ ra rằng, người nổi tiếng càng cần phải cẩn trọng hơn, bởi họ là hình mẫu trong mắt công chúng. “Họ có thể truyền cảm hứng sống tốt, nhưng cũng có thể khiến người trẻ học theo những lệch chuẩn nếu hành vi sai trái không bị lên án hoặc xử lý kịp thời”, ông nói.

Ông dẫn chứng một thực tế đáng lo ngại: “Nếu thần tượng vi phạm mà không bị chỉ trích hoặc pháp luật không xử lý nghiêm minh, thì hành vi đó có thể vô tình trở thành tiền lệ. Người trẻ nhìn vào và nghĩ: 'Thần tượng tôi làm thế có sao đâu' – và rồi họ làm theo”.

Khi đã trở thành người nổi tiếng, nghệ sĩ phải hiểu rõ vị trí xã hội của mình. Họ không chỉ là người làm nghề, mà còn là “tấm gương”, là biểu tượng trong mắt công chúng. Mỗi hành vi, mỗi lời nói của họ đều có sức lan tỏa lớn. Sự nghiệp rực rỡ có thể tan biến trong một khoảnh khắc nếu đi lệch khỏi lằn ranh đạo đức – và càng nổi tiếng, hậu quả càng nặng nề.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cuc-ntbd-len-tieng-ve-vu-cong-tri-va-nhieu-nghe-si-vi-pham-phap-luat-post1217384.vov