Cục phó CSGT: 'Bằng lái xe vẫn giữ thời hạn 10 năm'
Thống nhất với Bộ GTVT và một số cơ quan, Cục CSGT cho biết vẫn giữ nguyên thời hạn 10 năm đối với bằng lái xe một số hạng, thay vì đề xuất rút còn 5 năm.
Tối 26/8, Phó cục trưởng Cục CSGT Đỗ Thanh Bình cho biết vừa thống nhất với Bộ GTVT và một số đơn vị liên quan, giữ nguyên thời hạn 10 năm đối với giấy phép lái xe một số hạng, thay vì đề xuất rút còn 5 năm như trong dự thảo lần 5 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Các bộ ngành sẽ quản lý về bằng lái, sức khỏe tài xế qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được xây dựng bởi nó có sự liên thông dữ liệu, qua đó giúp quản lý tài xế tốt hơn", đại tá Bình nói với Zing.
Lãnh đạo Cục C08 nhấn mạnh sau cuộc thảo luận, Cục CSGT và các cơ quan liên quan trên cơ sở thống nhất việc liên kết dữ liệu, sẽ báo cáo với Thủ tướng, sau đó trình Quốc hội để có cơ sở tham vấn và nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý hành chính về giấy phép lái xe, sức khỏe tài xế,...
Trước đó, Bộ Công an ban hành dự thảo lần 5 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó đáng chú ý là đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe một số hạng còn 5 năm.
Cụ thể, khoản 9 Điều 46 của dự thảo quy định giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không thời hạn.
Lý giải về đề xuất này, Cục CSGT cho hay ý tưởng đó nhằm quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn, bởi thời hạn lưu hành GPLX trong 10 năm là khá dài, trong khi có những tài xế sức khỏe ngày càng ít đảm bảo.
Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến đánh giá, phân tích của giới chuyên gia về giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng việc rút thời hạn giấy phép lái xe một số hạng xuống còn 5 năm cần phải được nghiên cứu và có những đánh giá cụ thể về lợi ích mang lại.
Về lý, do, ông Quyền lý giải khi rút thời hạn đồng nghĩa với việc tăng số lần tài xế phải đổi GPLX, kéo theo các thủ tục như đi lại, làm tờ khai, khám sức khỏe, đóng lệ phí…
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi tài xế đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX có thời hạn 10 năm. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm.
Theo ông Quyền, trong đề xuất của Bộ Công an, các bằng lái hạng này sẽ được rút thời hạn xuống còn 5 năm. “Bằng lái hạng B hiện có số lượng lớn, chỉ cần 1 thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người”, ông nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, chủ trương thay đổi thời hạn GPLX cần nghiên cứu lại việc gom toàn bộ các hạng bằng lái đều có thời hạn 5 năm.
Theo ông Hùng, việc cấp lại bằng 5 năm 1 lần đối với một số bằng lái xe có trọng tải lớn, xe kinh doanh vận tải đường dài là hợp lý bởi đây là loại hình phương tiện đặc thù, thời gian di chuyển lớn, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn.
“Đối với bằng lái hạng B, việc đổi 5 năm 1 lần là không cần thiết, cơ quan chức năng nên cân nhắc việc giữ nguyên thời hạn đổi bằng theo độ tuổi như hiện nay”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lưu ý người lái xe phải luôn duy trì phản xạ tốt bởi khi điều khiển, tính mạng con người ở phía trước. Nếu việc giảm thời hạn bằng lái đảm bảo nhanh gọn, minh bạch, kiểm soát tốt hơn sức khỏe của tài xế thì có tốn kém cũng phải làm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuc-pho-csgt-bang-lai-xe-van-giu-thoi-han-10-nam-post1124602.html