Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn thực hiện hiệu quả nhiều Quy chế phối hợp
Trong khuôn khổ Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan Ngoại vụ địa phương và tổng kết, tập huấn công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao năm 2021, tổ chức tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), sáng 16/4, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn đã chủ trì Hội nghị báo cáo, đánh giá việc phối hợp giữa 3 đơn vị của Bộ Ngoại giao với các cơ quan Ngoại vụ địa phương trong công tác tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài năm 2020.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Thùy Dương, Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, cho biết: Trong công tác tuyển dụng, thông qua Quy chế phối hợp đã ký với các cơ quan Ngoại vụ địa phương, ba đơn vị (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn-SDDC, Trung tâm Phục vụ đối ngoại-SCEDFA, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ cơ qua nước ngoài- FOSCO) đều thông báo số vị trí việc làm mà tổ chức nước ngoài có nhu cầu sử dụng tại địa phương tới các cơ quan Ngoại vụ địa phương.
Công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại địa phương, năm 2020, ba đơn vị Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, SCEDFA và FOSCO đang quản lý 7.492 người lao động Việt Nam làm việc cho 437 tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Việc quản lý trải trên diện rộng 63 tỉnh, thành, đặc biệt nhiều dự án của tổ chức nước ngoài được triển khai tại các địa bàn miền núi xa xôi, hẻo lánh nên rất cần thiết có cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ ba đơn vị nắm bắt thông tin, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác.
Trong thời gian qua, ba đơn vị đã chủ động phối hợp với các Sở Ngoại vụ địa phương triển khai cơ chế hợp tác thông qua việc ký Quy chế phối hợp, cụ thể: Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn ký Quy chế phối hợp với 25/27 Sở Ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh thuộc địa bàn quản lý (trừ Sở Ngoại vụ TP Hà Nội, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương); SCEDFA ký Quy chế phối hợp với 6/14 Sở Ngoại vụ thuộc địa bàn quản lý (Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum, Lâm Đồng, Đăk Nông); FOSCO ký Quy chế phối hợp với 19/20 Sở Ngoại vụ/ Văn phòng UBND tỉnh thuộc địa bàn quản lý.
Qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, trách nhiệm của các bên được ràng buộc bằng văn bản, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình lao động Việt Nam.
Phát biểu tham luận về công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài, ông Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, cho rằng: Quảng Trị là một trong những địa phương đã thực hiện khá hiệu quả nhiệm vụ tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài trên địa bàn trong thời gian qua.
Vào cuối năm 2019, Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Quảng Trị đã ký kết “Quy chế phối hợp trong lĩnh vực tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài” với Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng (SCEDFA) với 4 nội dung phối hợp chủ yếu: Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin đối ngoại, chế độ, chính sách; Phối hợp trong công tác cung cấp thông tin triển khai dự án, danh sách người lao động; Phối hợp trong công tác tuyển chọn, giới thiệu người lao động; Phối hợp trong việc đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi chế độ chính sách quản lý người lao động.
Trong đó, 2 nội dung trọng tâm mà hai đơn vị đã phối hợp khá hiệu quả trong thời gian qua là: Phối hợp trong công tác cung cấp danh sách người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Quảng Trị và phối hợp trong công tác tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Quảng Trị.
Hiện nay, Quảng Trị có trên 1.000 lao động Việt nam đang làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài như MAG, RENEW, Cây hòa bình… Thông qua Quy trình quản lý người lao động bằng phần mềm điện tử hóa, sử dụng mạng xã hội để quảng bá rộng rãi thông tin tuyển dụng nhằm đảm bảo cơ hội cho tất cả người lao động, hồ sơ ứng viên được lưu trữ khoa học, đảm bảo giới thiệu lao động có lý lịch rõ ràng đến các tổ chức nên hầu hết các đối tượng lao động được tuyển dụng đều đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Thùy Dương, Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, đề nghị: Trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa các Quy chế phối hợp giữa ba đơn vị của Bộ Ngoại giao với các Sở Ngoại vụ địa phương triển khai cơ chế hợp tác trong công tác tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đề nghị các bên liên quan cần phối hợp giải quyết tốt hơn nữa như: một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tự tuyển lao động thông qua đối tác của họ tại địa phương; ở một số địa phương việc trao đổi, hợp tác của cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi không có đơn vị đứng ra làm dầu mỗi (một số nơi Sở Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý người lao động Việt Nam còn Sở Kế hoạch & Đầu tư quản lý dự án của các tổ chức phi chính phủ tại địa phương); việc hợp tác vẫn chủ yếu dừng ở việc chia sẻ, trao đổi danh sách dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài và nhân viên người Việt Nam làm việc cho các dự án này, chưa có sự phân tích sâu sắc, đánh giá hay cảnh báo về tình hình nhân sự có gây ảnh hưởng gì đến kinh tế, an ninh xã hội của địa phương hay không….
Để công tác tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa, ông Hoàng Thùy Dương, Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cơ quan Ngoại vụ địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị được Bộ Ngoại giao giao thực hiện nhiệm vụ của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài.
Đặc biệt, do xu hướng và tính chất của hoạt động phi chính phủ hiện nay tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và khu vực phía Nam có nhiều dấu hiệu nhạy cảm, phức tạp, vận động thành lập các nghiệp đoàn riêng theo mục tiêu của tổ chức phi chính phủ đi trái đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nên rất cần các địa phương phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao thực hiện công tác quản lý, nắm bắt sát sao tình hình sử dụng lao động Việt Nam của tổ chức nước ngoài.
Thứ hai, ở một số địa phương không có Sở Ngoại vụ, đề nghị Sở Ngoại vụ, UBND các tỉnh, thành phố chú trọng, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại địa phương, bởi lẽ bộ phận lao động này không giống các lao động thuần túy khác, họ chịu ảnh hưởng, chi phối trực tiếp từ các tổ chức có yếu tố nước ngoài; không loại trừ khả năng các tổ chức nước ngoài thông qua công tác viện trợ và sự giúp sức của người lao động Việt Nam để hướng họ thực hiện các yêu cầu công việc theo mục tiêu riêng của tổ chức nước ngoài, đi trái đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, duy trì việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ba đơn vị với các cơ quan Ngoại vụ địa phương từ nhu cầu tuyển dụng, tình hình quản lý đến nhu cầu đầu tư, phát triển dự án của tổ chức nước ngoài tại địa phương... nhằm tránh tình trạng người lao động Việt Nam bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị của đất nước; chủ động phát hiện các vị phạm của tổ chức nước ngoài để có ý kiến nhắc nhở hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý; phối hợp thành lập các tổ chức đoàn thể (đoàn thanh niên, công đoàn) của người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài tại địa phương, góp phần xây dựng tập thể và môi trường hợp tác, gắn bó của người lao động Việt Nam...
Văn Toại
(từ Quy Nhơn)