Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vào 'chặng nước rút'
Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh mới đây về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ trong 2 tháng cuối năm 2020 của Cục là hết sức nặng nề. Cục cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch được giao.
Thu NSNN đạt dự toán thấp nhất trong các năm qua
Tại buổi làm việc, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh báo cáo tổng thu NSNN do toàn đơn vị thực hiện trong 10 tháng được 207.447 tỷ đồng, đạt 71,33% dự toán năm 2020, giảm 11,4% (so cùng kỳ năm 2019). Trong tháng 10/2020, tổng thu nội địa được 30.886 tỷ đồng, đạt 10,62% dự toán năm và giảm 11,17%.
"Đây là kết quả thu đạt dự toán thấp nhất của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh trong các năm qua. Nguyên nhân, ngoài ảnh hưởng từ tình hình sản xuất kinh doanh bị do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, còn do thực hiện việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 109/NĐ-CP và tác động giảm bởi các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh báo cáo tình hình thu 10 tháng và tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn. Ảnh: Thanh Sơn
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác thu NSNN khiến một số khoản thu giảm mạnh so với cùng kỳ như: thu thuế bảo vệ môi trường giảm 7,5%; thu lệ phí trước bạ giảm 26,8%; thu phí, lệ phí giảm 16,4%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước giảm 9,92%; thu tiền sử dụng đất giảm 49,32%; thu khác ngân sách giảm 28,57%. Sau khi loại trừ các khoản thu đột biến và thu sát thực tế phát sinh, nâng tổng thu nội địa cả năm 2020 được khoảng 248.567 tỷ đồng, đạt 85,47% dự toán và giảm 14,5% so cùng kỳ năm 2019…
Theo số liệu báo cáo, từ tháng 9/2020 trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có dấu hiệu phục hồi nhanh, quý I/2020 tăng 4,5%, quý II/2020 giảm 11,5% thì quý III/2020 chỉ giảm 0,1%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,5% so với cùng kỳ, có 6/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng là tiền đề cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Riêng tháng 10/2020, thu đạt 20.332 tỷ đồng, đạt 11,22% dự toán thu từ khu vực kinh tế năm 2020. Đây cũng là tháng có tỷ lệ thu cao nhất so với dự toán kể từ tháng 2/2020. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ước thực hiện số thu nội địa trừ dầu 2 tháng cuối năm được khoảng 39.700 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.
Để thực hiện nhiệm vụ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh luôn bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tập trung chỉ đạo. Hướng dẫn các đơn vị rà soát, củng cố, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ phân loại nợ khó thu để thực hiện kịp thời ngay khi Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo thống kê số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 278.158 trường hợp, với số tiền thuế chậm nộp được xóa là 3.092 tỷ đồng và số thuế khoanh nợ là 5.117 tỷ đồng.
Rà soát thu hồi nợ thuế, đặc biệt là nợ thuế của các doanh nghiệp bất động sản
Thời gian qua Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong các tháng cuối năm. Với kết quả là kinh tế thành phố 9 tháng tăng trưởng 0,77%, dự kiến cả năm tăng 1,3%, có nghĩa là quý IV/2020 tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 2,89%.
Toàn cảnh buổi làm việc đốc thu nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Thanh Sơn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn giao chỉ tiêu cho Cục thuế TP. Hồ Chí Minh số thu 2 tháng cuối năm phải cố gắng để tăng ít nhất là tương ứng với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, tức là tăng 2,89%. Ông cho rằng đơn vị này có thể thu đạt 48.000 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm 2020.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tổng cục trưởngCao Anh Tuấn đề nghị đơn vị "vào chặng nước rút" triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác thu hồi nợ thuế, đặc biệt là nợ thuế của các doanh nghiệp bất động sản; đẩy mạnh hơn nữa công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát và xem lại mức thuế khoán hộ kinh doanh trên địa bàn cho phù hợp...
Đối với các hộ kinh doanh, Cục Thuế cần quan tâm đến mức khoán bình quân, thực hiện khảo sát điều chỉnh thuế khoán phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh, đặc biệt là tại các chi cục thuế có mức thuế khoán bình quân thấp. Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ vừa và hộ cá nhân kinh doanh cần phối hợp với Cục Thuế đẩy nhanh việc nộp thuế qua mạng đối với hộ cá nhân, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cần tập trung làm tốt công tác hỗ trợ người nộp thuế để các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực sự đi vào cuộc sống. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước. Phải tập trung rà soát kỹ đối với việc hoàn thuế hàng xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu tại chỗ.