Cục Thuế TPHCM kiến nghị họp khẩn để giải quyết hồ sơ đất đai tồn đọng
Để có cơ sở giải quyết lượng lớn hồ sơ đất đai chưa xác định nghĩa vụ tài chính, Cục Thuế TPHCM vừa kiến nghị khẩn UBND TP tổ chức cuộc họp.
Liên quan đến lượng lớn hồ sơ đất đai đã tiếp nhận từ ngày 1/8 đến nay nhưng chưa tính nghĩa vụ tài chính, Cục Thuế TPHCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị UBND TP tổ chức cuộc họp để có hướng giải quyết.
Theo Cục Thuế, UBND TP cần tổ chức cuộc họp để thống nhất việc áp dụng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất… làm cơ sở để cơ quan thuế kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Trong thời gian chờ ban hành bảng giá đất điều chỉnh, Cục Thuế kiến nghị những hồ sơ đất đai tiếp nhận từ ngày 1/8 thì áp dụng theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024.
Như VietNamNet đã thông tin, ngày 29/8, Cục Thuế đã có văn bản khẩn lần 2 kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh và có hướng dẫn cơ quan thuế áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để tính nghĩa vụ tài chính đất đai cho các hồ sơ đã tiếp nhận từ ngày 1/8.
Theo Cục Thuế, ngày 1/8 là thời điểm Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 103 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có hiệu lực. Tuy nhiên, do chưa có bảng giá đất điều chỉnh nên quá trình giải quyết hồ sơ đất đai tại cơ quan thuế phát sinh vướng mắc, bất cập.
Từ ngày 1-27/8, Cục Thuế tiếp nhận 8.808 hồ sơ. Trong đó, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận; 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; 5.448 hồ sơ thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; 2.737 hồ sơ không phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Liên quan đến vướng mắc trên, theo nội dung cuộc họp liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/9, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho biết các đại biểu đã cơ bản thống nhất hướng xử lý.
Theo ông Châu, các đại biểu thống nhất quan điểm cơ quan thuế phải thực hiện đúng “nguyên tắc áp dụng pháp luật”, tức hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết.