Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): Nguồn nước tưới dưỡng lúa Xuân sẽ rất khó khăn
Đây là nhận định được Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đưa ra trong báo cáo mới nhất liên quan đến công tác chống hạn vụ Xuân 2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Cục Thủy lợi, từ 0 giờ ngày 18/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện để bổ sung nguồn nước sản xuất vụ Xuân 2024. Với dòng chảy được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đủ điều kiện để vận hành lấy nước.
Cập nhật mới nhất của Cục Thủy lợi cho thấy, tổng diện tích có nước cả khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã đạt 476.504ha/ 492.946ha, đạt 96,7%. Đến nay, hầu hết các địa phương đã lấy đủ nước sản xuất vụ Xuân. Riêng tại Hà Nội, diện tích đủ nước đến nay đang đạt thấp nhất với khoảng 86%.
Dù đến nay công tác chống hạn vụ Xuân 2024 của huyện cơ bản đảm bảo theo kế hoạch, tuy nhiên, Cục Thủy lợi đánh giá: Do mực nước ngoài sông và trong các hệ thống thủy lợi sau đợt 2 dự kiến ở mức thấp nên nguồn nước phục vụ tưới dưỡng sẽ rất khó khăn.
Trên cơ sở đánh giá tình hình nguồn nước, Cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy. Đồng thời, tăng cường tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng.
Các tỉnh, TP khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất và gieo cấy để giữ nước trên ruộng, tổ chức tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du trong đợt 2, nâng mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây ổn định ở mức trung bình khoảng 1,8 - 2,0 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi; đồng thời, cung cấp nguồn điện đảm bảo để các địa phương có đủ điện để vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.