Cục Trẻ em thông tin về giải pháp ngăn chặn bạo hành trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội
Vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng tại TP Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Vụ việc trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đang được cơ quan chức năng xử lý như thế nào, thưa ông?
Đây là vụ việc bạo hành trẻ em diễn ra tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập có phép. Trước vụ việc gây bức xúc dư luận, cơ quan chức năng đã kịp thời can thiệp.
Trong giấy phép cấp cho cơ sở này có ghi rõ là định kỳ báo cáo 6 tháng/lần. Theo thông tin Cục nắm được, cơ sở này cũng đã từng được kiểm tra, nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc.
Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công điện gửi UBND TP Hồ Chí Minh, đề nghị xử lý nghiêm. Công điện nêu 3 nội dung chính: Kịp thời chăm sóc, đảm bảo môi trường an toàn cho các cháu bé; cơ quan chức năng xác minh xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; phòng ngừa vụ việc tương tự xảy ra ở cơ sở công lập và ngoài công lập.
Cục cũng đã nhận được báo cáo nhanh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Đơn vị này đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, xử lý vụ việc và tổ chức chăm sóc các nạn nhân. Sở đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra điều kiện nuôi dưỡng và việc tuân thủ quy định pháp luật. Các cháu bé của cơ sở này đã được đưa về 3 cơ sở chăm sóc công lập, đảm bảo an toàn.
Thời gian tới, cơ quan chức năng có giải pháp nào để không để xảy ra vụ việc tương tự, thưa ông?
Nguy cơ xảy ra các vụ bạo hành trẻ em tương tự là có, nếu không có giải pháp thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý và kiểm tra giám sát của chính cơ sở trợ giúp xã hội này.
Một công cụ hỗ trợ cho người đứng đầu là hệ thống giám sát camera nội bộ. Những hệ thống giám sát này không quá đắt đỏ, đáng tiếc là hệ thống giám sát camera không có tại Mái ấm Hoa Hồng. Ban ngày, khi nhà tài trợ tới, cơ sở chăm sóc trẻ rất cẩn thận, nhưng ban đêm thì xảy ra tình trạng bạo lực.
Một trong các giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em là cần có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Kinh nghiệm của các nước là kiểm tra, giám sát thường xuyên trong cơ sở tập trung (công lập, ngoài công lập).
Thực tế, lực lượng thanh tra, kiểm tra hiện nay không đủ số lượng để giám sát thường xuyên. Trong kihi hiện nay, Việt Nam cũng chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp về trẻ em, nên khó giám sát, phát hiện sớm nguy cơ trẻ bị xâm hại. Cục Trẻ em sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định này trong thời gian tới.
Một kinh nghiệm nữa cần rút ra sau vụ việc này là cơ sở Mái ấm Hoa Hồng chỉ được phép nuôi dưỡng 39 trẻ em, nhưng thực tế có thời điểm lên đến 100 trẻ. Như vậy, vượt quá năng lực của cơ sở và tất yếu xảy ra tình trạng trẻ không an toàn. Khi quá tải, người trông trẻ sẽ có tâm lý không bình thường. Cục đã đề nghị TP Hồ Chí Minh thiết lập cơ chế điều phối, chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn yêu cầu hiện ưu tiên trẻ em được chăm sóc ở môi trường gia đình, chăm sóc thay thế là giải pháp cuối cùng. Do đó, người đứng đầu cơ sở chăm sóc trẻ em phối hợp địa phương tìm trẻ về gia đình gốc hoặc tìm cá nhân thay thế với môi trường gia đình. Tuy nhiên, quy định này chưa được làm nghiêm.
Xin trân trọng cám ơn ông!