Cục trưởng Cục CSGT: Phạt nghiêm để thành thói quen 'đã uống không lái'
Việc nghiêm cấm hoàn toàn nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thể hiện sự tiến bộ, văn minh, góp phần kéo giảm TNGT.
Sau gần 10 ngày ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm, tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Báo Giao thông trao đổi với Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an xung quanh việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc xử lý vi phạm, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như một số ý kiến nghi ngại.
Dư luận đồng tình, ủng hộ
Đến giờ phút này, có thể thấy việc tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia điều khiển xe đã tác động rất mạnh tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông nghĩ sao khi vẫn có những ý kiến cho rằng, cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện là quá khắt khe?
Nhiều nước trên thế giới quy định người điều khiển phương tiện không có tỉ lệ nồng độ cồn. Tại Việt Nam, TNGT do người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia ngày càng có xu hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về kinh tế và nguồn lao động. Việc nghiêm cấm hoàn toàn nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thể hiện sự tiến bộ, văn minh. Quy định này cũng sẽ góp phần tích cực đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Sau hơn 1 tuần xử phạt nồng độ cồn theo quy định mới, ông nhận thấy ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông có chuyển biến như thế nào? Lực lượng CSGT triển khai nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Hơn 1 tuần xử phạt, chúng tôi nhận thấy đa số người tham gia giao thông nắm được và chấp hành nghiêm quy định mới, ủng hộ việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Với số ít người tham gia giao thông chưa nắm được hoặc chưa đồng tình, cần tuyên truyền đi đôi với xử lý nghiêm.
Quá trình TTKS, xử lý vi phạm liên quan đến rượu, bia, lực lượng CSGT cũng gặp những khó khăn nhất định. Bởi tập quán, thói quen sinh hoạt uống rượu, bia ở Việt Nam diễn ra phổ biến trong các dịp hiếu, hỉ, lễ, Tết. Người đã uống rượu, bia thường thiếu kiểm soát, mất bình tĩnh, dễ thực hiện các hành vi chống đối, chây ì, bất hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.
Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ tuyên truyền, thuyết phục, kiên quyết yêu cầu chấp hành quy định. Nếu người vi phạm vẫn bất hợp tác, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt ở mức cao nhất và người chứng kiến sẽ ký nhận.
Chưa trường hợp nào bị phạt “do ăn hoa quả”
Dư luận đang băn khoăn câu chuyện ăn hoa quả, uống siro cũng “dính” nồng độ cồn. Cục CSGT có hướng dẫn gì về vấn đề này không, thưa ông?
Hướng dẫn, trả lời vấn đề này phải là chuyên gia y tế. Tuy nhiên, qua thực tế TTKS, xử lý vi phạm, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp người vi phạm nồng độ cồn nào cho biết trước đó có ăn hoa quả, uống siro.
Nếu có trường hợp người vi phạm nồng độ cồn khiếu nại về vấn đề này, lực lượng CSGT sẽ mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. Với những người có phản hồi lại, chúng tôi sẽ nhờ những lực lượng chuyên môn khác để làm rõ và chứng minh.
Một số tài xế cho rằng quy trình kiểm tra mất thời gian, tính chính xác của máy đo chưa cao và vấn đề vệ sinh ống thổi khiến họ rất ngại khi phải kiểm tra nồng độ cồn. Theo ông, những lý do này có chính đáng?
Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định theo quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các thiết bị đưa ra kiểm tra đều được kiểm định chính xác.
Với mỗi lần tiến hành kiểm tra, người được kiểm tra sẽ được sử dụng một ống thổi đóng gói riêng và đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chỉ sử dụng 1 lần. Người được kiểm tra chỉ cần thổi vào ống cho đến khi lượng khí thở đạt yêu cầu, thao tác nhanh chóng, đơn giản, không gặp khó khăn. Thời gian một lần kiểm tra tính từ lúc lượng khí thở của người được kiểm tra đạt yêu cầu đến lúc máy cho kết quả đo, in phiếu là dưới 5 giây, tổng thời gian kiểm tra đối với mỗi trường hợp thông thường không đến 1 phút.
Sẽ giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tiêu cực
Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, khi mức phạt tăng cao cũng sẽ dễ làm gia tăng tình trạng chung chi, tiêu cực của lực lượng CSGT. Cục CSGT có kế hoạch giám sát, ngăn chặn việc này như thế nào?
Ngay tại Chỉ thị 01 Bộ Công an và các quy định của pháp luật cũng đã minh bạch công khai hoạt động TTKS của lực lượng CSGT đặt dưới sự giám sát của người dân.
Trong tháng 12, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành quy chế yêu cầu cảnh sát thông tin đầy đủ đến người dân các tuyến đường tuần tra kiểm soát. Chúng tôi cũng có thể giám sát trực tiếp hay gián tiếp qua phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu ghi hình, chụp ảnh, ghi âm theo quy định.
Và mới đây, ngày 6/1, Cục CSGT mới có công điện chỉ đạo công an các địa phương trong công tác TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy phải có camera để vừa đảm bảo minh bạch công khai, vừa đảm bảo hành vi chống người thi hành công vụ.
Còn trong trường hợp công chức, viên chức, hoặc chính cán bộ, chiến sỹ CSGT vi phạm nồng độ cồn thì liệu có được nể nang, cho qua hay không?
Công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ vi phạm nồng độ cồn ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn thông báo về đơn vị để xử lý kỷ luật về Đảng và chuyên môn.
Ngày 9/1/2019, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCA đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới. Trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng lực lượng CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ… Lực lượng công an nhân dân gương mẫu, đi đầu trong chấp hành Luật GTĐB và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải là một tuyên truyền viên phổ biến, tuyên truyền cho người thân và nhân dân biết, chấp hành đúng các quy định của pháp luật TTATGT.
Lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp phải tự mình gương mẫu trước cán bộ, chiến sỹ; đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, chiến sỹ của mình. Nếu đơn vị, địa phương nào để cán bộ, chiến sỹ vi phạm quy định hoặc gây ra TNGT thì phải xử lý, đồng thời xem xét thi đua của đơn vị và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.
Quyết liệt xử lý để hình thành thói quen
“
Người dân được ghi hình CSGT làm nhiệm vụ
Liên quan đến thông tin “uống siro, ăn hoa quả” làm tăng nồng độ cồn, Trung tướng Dũng cho biết, Cục CSGT đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu test. Theo đó, nếu đo nồng độ cồn ngay sau khi ăn hoa quả hoặc uống siro, kết quả có thể cho lên tới 0,6 mg/lít khí thở, thậm chí trên 1 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 đến 5 phút, nồng độ cồn sẽ không còn.
Đối với việc người dân lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay, giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay hình cần đảm bảo khoảng cách để không ảnh hưởng tới việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
”
Xử lý vi phạm nồng độ cồn thường gặp nhiều khó khăn, nên dư luận cũng lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Liệu rằng, CSGT chỉ xử lý vi phạm nồng độ cồn vào những đợt cao điểm, rồi sau đó sẽ “buông”?
Năm 2019, lực lượng CSGT xử lý hơn 182.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, bình quân 500 trường hợp/ngày. Và chỉ đạo của Bộ Công an xuyên suốt sang năm 2020 và những năm tiếp theo là CSGT tập trung vào xử lý nồng độ cồn và ma túy, chứ không chỉ tập trung trong cao điểm.
Theo nhìn nhận của ông, liệu chúng ta có thể hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe” như thói quen “đã lên xe máy là đội MBH”?
Có thể nói việc thực hiện đạo luật này mang tính nhân văn, ở đây không phải là cấm uống rượu bia, nên người sử dụng rượu, bia phải uống có trách nhiệm, đồng thời thay đổi thói quen của mình là không được điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, để góp phần đưa Luật cũng như Nghị định vào cuộc sống cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân; sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc.