Cục trưởng Cục QLTT Hậu Giang: Nhiều thủ đoạn tinh vi để in lậu, làm SGK giả
Cần sự phối hợp của các đơn vị xuất bản, cơ quan báo chí và sự chủ động, kịp thời tố giác của người dân khi phát hiện hành vi sản xuất, kinh doanh SGK giả.
Sách giáo khoa giả nhốn nháo “chen chân” vào thị trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bé Tư - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tình trạng in lậu, làm sách giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, nhất là sách giáo khoa thời gian qua đã gia tăng dưới nhiều hình thức, diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất bản, mà còn tác động tiêu cực đến việc tiếp thu tri thức của học sinh và mọi tầng lớp trong xã hội.
Thứ nhất, về mặt giáo dục: Sách giáo khoa giả có thể chứa những nội dung sai lệch, thiếu chính xác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, giảng dạy của giáo viên và nhận thức của học sinh.
Thứ hai, về mặt kinh tế - xã hội: Sách giáo khoa giả cạnh tranh không lành mạnh với sách thật, ảnh hưởng đến doanh thu của nhà xuất bản chính thống; ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng…, góp phần ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế.
Hậu quả của việc làm giả sách giáo khoa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển toàn diện của học sinh, mà còn gây ra tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Bé Tư, các đối tượng in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả thường có rất nhiều thủ đoạn khác nhau.
“Đôi khi, trong một quyển sách, chỉ có 1-2 trang sai so với sách giáo khoa thật, nên người mua rất khó phát hiện. Ngoài nội dung, thì hình thức của sách giáo khoa giả cũng được làm rất giống như sách thật: từ bao bì, mẫu mã thậm chí đến cả tem chống hàng giả cũng làm giống như tem thật.
Các sách giả thường được trộn lẫn vào sách thật nên gây khó khăn cho người mua, nhất là khi, hiện nay sách giáo khoa đa số được đóng thành bộ, rất ít khi bán riêng lẻ từng cuốn, đây cũng là một trong những cách khiến các đối tượng kinh doanh tận dụng, trộn lẫn sách giả vào sách thật để tiêu thụ”, vị Cục trưởng lý giải.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sách giáo khoa giả “chen chân” vào thị trường, thầy Trần Đình Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 1 (tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Hiện nay, đã có các quy định trực tiếp liên quan như Luật Xuất bản; Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như có chế tài xử phạt đối với các hành vi in và buôn bán sách giáo khoa giả; tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại sách giáo khoa giả do các cơ sở in lậu bất chấp luật pháp để trục lợi và một bộ phận người dân không tìm hiểu kỹ thông tin và tham rẻ tiêu thụ những quyển sách đó”.
Thầy Nam đề cập 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sách giáo khoa giả len lỏi trên thị trường: “Đầu tiên, xuất phát từ kinh tế. Cơ sở in lậu lợi dụng trốn thuế, không tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả để kiếm lời. Còn người tiêu thụ sách giả chỉ quan tâm được giảm giá nhiều mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng.
Hai là, công tác tuyên truyền về tác hại của sách giả chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi ở các vùng nông thôn, miền núi, thông tin này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Điều này dẫn đến, nhiều phụ huynh và học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro khi mua phải sách giả, như sách chưa được nghiệm thu, nội dung sai lệch, chất lượng kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Ba là, công tác kiểm tra và xử lý các cơ sở in lậu của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Cuối cùng, sự đa dạng về sách giáo khoa giữa các trường, thậm chí giữa các lớp trong cùng một trường khiến việc tái sử dụng sách cũ trở nên khó khăn hơn, buộc học sinh phải mua sách mới hằng năm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ sách giả”.
Để hướng dẫn phụ huynh, học sinh trong việc chọn sách giáo khoa đảm bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 1 cho biết: “Tại nhà trường, năm học sau sẽ giữ nguyên sách giáo khoa của năm học trước. Chính vì vậy, học sinh khóa sau có thể mượn sách giáo khoa của khóa trước. Riêng đối với khối lớp 12 - là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, để thống nhất lựa chọn sách giáo khoa và đặt hàng trực tiếp từ các nhà xuất bản”.
Vị Hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhà trường luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc tổ chức đăng ký mua sách tại trường để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tránh mua phải sách giả và tiết kiệm thời gian, chi phí. Toàn bộ quá trình đăng ký và đặt hàng sẽ được thực hiện công khai và minh bạch.
Để ngăn chặn, chấm dứt việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, thầy Nam cũng đề xuất, nên tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở in sách giáo khoa và các cửa hàng bán sách giáo khoa. Đặc biệt, có biện pháp xử lý nghiêm với các cơ sở in và bán sách lậu, phải đặt lên bàn cân giữa lợi nhuận thu được và giá phải trả khi bị phát hiện. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường hạn chế tối đa thay đổi sách ở các lớp dưới tạo cơ hội sử dụng lại sách cũ cho học sinh lớp dưới.
Phối hợp chặt chẽ từ việc cấp phép in ấn đến khi phát hành
Chia sẻ về tình trạng rao bán sách giả, sách lậu qua các kênh thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang chỉ ra: “Sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay đang vô tình mở lối cho sách giáo khoa giả trà trộn trên thị trường; được quảng cáo công khai thông qua các website, các trang mạng xã hội,.. Người bán có rất nhiều cách để quảng bá sản phẩm, như tạo ra những combo, kết hợp nhiều quyển sách với nhau cho một lần mua, giảm giá 50%… Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ đã đặt mua để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền.
Hiện nay, cuộc chiến thương mại điện tử đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường, không chỉ riêng đối với sách giáo khoa, mà là với tất cả các loại hàng hóa được giao dịch, mua bán qua môi trường thương mại điện tử.
Hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử hiện nay không chỉ là thách thức riêng của lực lượng quản lý thị trường, mà là thách thức chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cần phải có các quy định cụ thể, để quản lý chặt chẽ các hoạt động này, góp phần ngăn chặn việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện mua bán các loại hàng giả, hàng lậu,... gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kinh doanh chân chính, người tiêu dùng và sự phát triển của kinh tế - xã hội”.
Để người tiêu dùng có thể phân biệt được sách thật - sách giả, ông Nguyễn Văn Bé Tư nhấn mạnh: “Trước tiên, các nhà xuất bản nên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí, để có những khuyến cáo cụ thể, hướng dẫn phân biệt sách thật - sách giả.
Ngoài ra, khi mua sách, người mua cần lựa chọn những địa điểm kinh doanh uy tín, đáng tin cậy để tránh mua nhầm sách giả. Đặc biệt chú ý dấu hiệu nhận biết cơ bản: mặt trước bìa sách có in chữ “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” và mặt sau của trang bìa sách giáo khoa có tem chống giả.
Bên cạnh đó, Cục vẫn chỉ đạo lực lượng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát, nắm bắt địa bàn để kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có các hành vi in ấn, buôn bán sách lậu, sách giả. Từ đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng kinh doanh sách giả trên địa bàn quản lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh chân chính”.
Vị Cục trưởng phân tích, chính vì việc kinh doanh, sử dụng sách giáo khoa giả có thể gây ra nhiều hệ lụy về mặt kinh tế - xã hội. Do đó, công tác phòng, chống vi phạm về sách giáo khoa giả là một vấn đề cần thiết, đòi hỏi phải được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, có những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán sách giả, góp phần bảo vệ quyền lợi của học sinh, người tiêu dùng và xã hội.
“Cuộc chiến chống hàng giả (nói chung) và sách giáo khoa giả (nói riêng), cần phải có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản, các tác giả, phụ huynh, học sinh, các cơ sở giáo dục và toàn xã hội.
Sản xuất cần phải chặt chẽ từ việc cấp phép in ấn đến phát hành; trong kinh doanh cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời các cơ quan quản lý, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh,... Đặc biệt, cần sự phối hợp của các đơn vị xuất bản, cơ quan báo chí và sự chủ động, kịp thời tố giác của người dân khi phát hiện hành vi sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa giả” - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.