Cục u lồi lên trên cổ tay cảnh báo điều gì về sức khỏe của bạn? Có phải khối u ung thư không?
Sự xuất hiện bất thường của một cục u đều khiến mọi người e ngại, trong đó có cục u lồi lên trên cổ tay hoặc bàn tay. Liệu đây có phải dấu hiệu cảnh báo khối u ác tính?
Dưới đây là một số thông tin cần biết về cục u lồi lên hay vết sưng nổi rõ trên tay, cổ tay bao gồm: nguyên nhân, dấu hiệu nguy hiểm cần thăm khám bác sĩ và cách đối phó mà bạn có thể tham khảo.
1. Nguyên nhân của cục u lồi lên trên cổ tay, bàn tay
Một cục u lồi lên trên cổ tay hoặc bàn tay có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe như viêm khớp, bệnh gout, u xương cổ tay, u nang hoặc thậm chí là khối u ung thư. Cụ thể:
1.1. Các khối u
- Nang hoạt dịch
U nang hoạt dịch là một túi nhỏ có chứa đầy dịch nhầy nhớt, đặc ở bên trong; dịch có thể có màu vàng nhạt hoặc không màu; ấn vào cảm giác như thạch. Kích thước một túi nang hoạt dịch có thể từ nhỏ như hạt đậu hoặc có thể lớn tới 2,5 cm mọc dọc theo các sợi gân hay các khớp cổ tay (mặt sau cổ tay hoặc mu bàn tay) với hình dạng thường thấy là hình tròn hoặc hình bầu dục.
Nang hoạt dịch thường không gây đau nhưng nếu các nang này đè lên dây thần kinh có thể dẫn tới đau, tê hoặc yếu cơ ở tay. Vì thế mà bạn cần phải cố gắng hạn chế gây căng thẳng và áp lực lên cổ tay do việc sử dụng cổ tay quá mức có thể khiến nang to hơn.
May mắn là hầu hết các nang hoạt dịch có thể tự biến mất.
- U tế bào khổng lồ của bao gân (Giant cell tumor of the tendon sheath)
Đây là một khối u lành tính có mức độ phổ biến thứ hai (chỉ sau nang hoạt dịch) khiến bàn tay có cục u lồi lên.
Khối u này thường phát triển chậm và tạp thành các cục u không đau và phát triển trong bao gân (Bao quanh bên ngoài gân là một lớp bảo vệ được gọi là bao gân. Bộ phận này có nhiệm vụ tiết hoạt dịch để hỗ trợ các hoạt động của khớp được trơn tru).
- U nang biểu bì
U nang biểu bì cũng là một khối u lành tính phát triển ngay dưới da với bên trong chứa đầy dịch đặc như sáp màu vàng gọi là keratin. Đôi khi các u nang này hình thành do kích ứng hoặc các tổn thương ở da hoặc nang lông.
Khối u có thể giữ nguyên kích thước ban đầu hoặc lớn dần theo thời gian. Trong một số trường hợp thì khối u cũng có thể bị viêm hoặc nhiễm trùng dẫn tới sưng đau và đỏ ở cục u lồi lên.
Để giảm bớt sự khó chịu, bạn có thể chườm một miếng khăn ấm vào u nang biểu bì và đặc biệt cần nhớ là không được chọc hay bóp cục u.
- Khối u ác tính
Hầu hết các u nang và khối u xuất hiện trên cổ tay và bàn tay đều là lành tính nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp thì cục u lồi lên đó có thể là khối u ung thư.
Khối u ác tính có xu hướng phát triển nhanh và có hình dạng bất thường, có thể gây đau nhức đặc biệt vào ban đêm. Những khối u này có thể phát triển thành các tổn thương trên da với vùng da bất thường hoặc cục u phát triển nhanh dưới da.
Một số loại ung thư khác nhau có thể ảnh hưởng tới bàn tay và cổ tay bao gồm: ung thư da như ung thư hắc sắc tố, ung thư biểu mô tế bào vảy và nhiều loại ung thư bắt đầu trong các mô như xương hoặc cơ (gọi là các sarcoma) như u mỡ và u cơ vân.
- Các loại khối u khác
Ngoài những khối u kể trên thì có một số khối u hoặc u nang ít phổ biến hơn có thể hình thành ở cổ tay hoặc bàn tay và hầu hết đều lành tính bao gồm: u thần kinh, u xơ, khối u glomus.
1.2. Một số tình trạng bệnh lý
Ngoài do các khối u bất thường thì cục u lồi lên ở cổ tay và bàn tay cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý bao gồm:
- Viêm xương khớp
Viêm xương khớp xảy ra khi sụn đệm khớp bắt đầu mòn đi dẫn tới các cơn đau và sưng khớp. Khi viêm khớp xảy ra ở tay, bệnh nhân có thể xuất hiện các cục u hoặc cục xương nhỏ trên các khớp tay. Các cục u này có thể kèm theo cứng khớp, sưng và đau khớp.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn trong đó hệ miễn dịch tấn công các khớp trong đó có khớp cổ tay dẫn tới tình trạng viêm và biến dạng. Theo Healthline, khoảng 25% người bị viêm khớp dạng thấp phát triển các nốt thấp khớp. Đây là những nốt cứng dưới da, không đau.
Các nốt này phát triển gần các khớp bị áp lực hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại nhiều lần bao gồm cổ tay, cẳng tay, ngón tay.
- Bệnh gout
Gout là một loại viêm khớp gây đau khớp và sưng khớp. Những vết sưng này thường kéo dài trong 1 - 2 tuần rồi biến mất. Mặc dù các nốt tophi (hạt tophi) thường phát triển ở ngón chân cái hoặc chi dưới nhưng cũng có thể xuất hiện ở các khớp bàn tay.
Các nốt này hình thành do cơ thể tạo ra quá nhiều hoặc không đào thải được hết axit uric.
- Ngón tay lòxo
Ngón tay lò xo (ngón tay cò súng) là hiện tượng viêm hoặc thoái hóa các bao gân gấp ngón tay gây chít hẹp bao gân, làm cho các gân gấp khó lướt qua khi gấp và duỗi ngón tay. Các gân gấp bị viêm xuất hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở.
2. Điều trị
Việc điều trị cục u lồi lên ở cổ tay hay bàn tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp này có thể bao gồm:
- Thuốc không kê đơn: Để giảm đau và giảm viêm, phổ biến bao gồm acetaminophen, ibuprofen và naproxen.
- Thuốc theo đơn: Đôi khi bác sĩ có thể kê đơn thuốc như cortisteroid đường uống hoặc đường tiêm cho các tình trạng sức khỏe như viêm khớp dạng thấp.
- Nẹp:Nẹp được sử dụng để cố định cổ tay trong những trường hợp cục u gây đau hoặc việc chuyển động khiến khối u tăng kích thước.
- Hút dịch: Trong một số trường hợp có thể cần phải dẫn lưu dịch trong khối u, chẳng hạn như u nang biểu bì hoặc u nang hoạt dịch.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể bao gồm các bài tập có tác dụng giúp tăng phạm vi chuyển động hoặc cải thiện sức mạnh ở bàn tay hoặc cổ tay cho người mắc bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc đang trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật:Đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ khối u do u nang hoạt dịch, u nang biểu bì hoặc các khối u do ung thư trong trường hợp cần thiết (ngoài ra còn có hóa trị, xạ trị).
3. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu tình trạng u cục nổi lên ở cổ tay hay bàn tay xuất hiện một cách bất thường, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ để được đánh giá và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh sớm. Đặc biệt, nếu các cục u lồi lên và phát triển một cách nhanh chóng, gây đau đớn kèm theo các triệu chứng như tê, ngứa ran hoặc yếu cơ hay trông có vẻ đã bị sưng viêm, nhiễm trùng và ở vị trí gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày.
Bác sĩ có thể thăm khám sức khỏe, hỏi về tiền sử cũng như các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải bao gồm cả điều gì khiến cơn đau tăng lên hoặc giảm nhẹ đi, cục u lồi lên này đã xuất hiện trong thời gian bao lâu, có đau nhức hay các triệu chứng bất thường khác kèm theo không; kiểm tra da; kiểm tra mức độ di động của cục u và chỉ định các chẩn đoán hình ảnh nếu cần thiết, bao gồm: chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm, chụp CT hoặc lấy mô sinh thiết nếu nghi ngờ là khối u ung thư.
Nguồn: Healthline