Cục Xúc tiến thương mại: Nâng cao năng lực phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp
Áp lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa tăng, doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên phải nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu, bao gồm năng lực tài chính của đối tác.
Sáng 24/8, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chương trình hỗ trợ kỹ năng phát triển thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Chương trình nhằm nâng cao kỹ kiến thức và năng lực về nghiên cứu và phát triển thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp, cập nhật các thông tin về thị trường tiêu thụ trong nước và một số thị trường xuất khẩu chủ lực.
Tại chương trình, các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao kỹ năng về cách thức tiếp cận thị trường, điều kiện và quy định kinh doanh xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp; tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội từ các FTA, tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu trong bối cảnh sức mua tại nhiều thị trường xuất khẩu đang chững lại và có thể kéo dài sang năm 2024.
Khuyến nghị đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp có dự định xuất khẩu hàng hóa, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà – Chuyên gia hỗ trợ xuất nhập khẩu, cho rằng, hiện nay, cạnh tranh hàng hóa ngày càng cao, tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe và sức mua giảm, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ thị trường có ý định xuất khẩu. Trong đó, phải tranh thủ tận dụng được sự hỗ trợ của các tổ chức như Cục Xúc tiến thương mại, Tham tán tương mại, hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác. Bên cạnh đó, phải nắm bắt được các quy định của thị trường gồm quan hệ thương mại, bối cảnh chính trị hiện tại của quốc gia xuất khẩu, có hay không hợp tác trong các FTA với Việt Nam.
Đặc biệt là phải chuẩn bị hàng hóa để sẵn sàng giao dịch. Lưu ý điều chỉnh hàng hóa đáp ứng yêu cầu riêng của từng thị trường, bao gồm cả chú trọng thị hiếu bao bì, tính bền vững…; minh bạch toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu… Ngoài ra, trước khi xuất hàng, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu năng lực tài chính, thanh toán của đối tác cũng như nắm kỹ các thông tin về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của mình ở thị trường xuất khẩu.
Theo ông Hồ Ngọc Quân – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để đứng vững. Trong đó, nghiên cứu và phát triển thị trường là việc mà doanh nghiệp cần làm để tăng tính chủ động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.
“Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ các kỹ năng tiếp cận thị trường xuất khẩu áp dụng cụ thể cho từng loại ngành hàng của doanh nghiệp, qua đó căn cứ để lựa chọn thị trường và định vị sản phẩm và cuối cùng để xây dựng các chiến lược marketing hỗn hợp để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện tại”, ông Quân nói.