Cúm A tăng bất thường, thuốc Tamiflu khan hiếm, tiêm vắc-xin là cần thiết

Số ca mắc tăng khiến nhu cầu tìm mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo. Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống cúm, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả.

Khan hiếm và giá tăng

Qua khảo sát hiện thị trường, thuốc Tamiflu có tình trạng khan hiếm ở nhiều cơ sở và giá cả có mức dao động lớn. Tại hệ thống nhà thuốc lớn Pharmacity, nhân viên nơi đây thông tin, loại thuốc này hết hàng khoảng một tháng nay, chưa rõ khi nào có hàng về.

Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, Tamiflu vẫn có hàng, nhưng do nguồn hàng hạn chế nên mỗi người chỉ được mua 1 hộp.

Số ca mắc tăng khiến nhu cầu lùng mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo.

Số ca mắc tăng khiến nhu cầu lùng mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo.

Tại nhà thuốc Phương Chính, thuốc Tamiflu được bán với giá 519.000 đồng/hộp. Chợ thuốc Hapulico, Tamiflu được rao bán từ 515.000- 560.000 đồng/hộp. Một số người bán hàng xách tay đang quảng cáo giá sản phẩm này từ 450-530.000 đồng/hộp 10 viên.

Còn tại một số nhà thuốc thuộc quận Thanh Xuân, giá dao động từ 850.000 đến 900.000 đồng/hộp 10 viên. Tại Mua thuốc 24h, giá thuốc Tamiflu được bán 900.000 đồng/hộp.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM), do thuốc có các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng tùy tiện. Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.

Hơn nữa, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi.

Việc phụ huynh tự mua Tamiflu điều trị cho con, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu mà dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc.

TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.

Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng.

Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Về phía Bộ Y tế, Cục Quản lý dược khuyến cáo, trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Tiên vắc-xin vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu

Với cúm A, chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami ở bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.

Tại hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc-xin cúm GC FLU QUADRIVALENT và vắc-xin IVACFLU-S đang được sử dụng để tiêm phòng

Tại hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc-xin cúm GC FLU QUADRIVALENT và vắc-xin IVACFLU-S đang được sử dụng để tiêm phòng

Các bênh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore. Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vắc-xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc-xin cúm mùa trước đó.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm phòng vắc-xin cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm trước đó có tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và Covid-19.

Đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng cường sự bảo vệ ở các quốc gia mà vắc-xin Covid-19 chưa được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên vắc-xin cúm mùa không thể thay thế vắc-xin Covid-19, vì vậy vẫn cần tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ.

Được biết, tại hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc-xin cúm GC FLU QUADRIVALENT và vắc-xin IVACFLU-S đang được sử dụng để tiêm phòng đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Theo hướng dẫn sử dụng thì vắc-xin GC FLU QUADRIVALENT được sử dụng trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm có thể bảo vệ được bản thân và cả trẻ sơ sinh. Không có tác dụng phụ của vắc xin đối với thai nhi và thai sản đã được báo cáo.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm (bất hoạt, 3 chủng-TIV) có thể bảo vệ được bản thân và cả trẻ sơ sinh.

Các nghiên cứu lớn ở Hoa kỳ và Bangladesh đã chứng minh tính an toàn của vắc-xin cúm trên phụ nữ có thai khi không thấy bất cứ biến cố quan trọng cho bản thân và thai nhi hay trẻ sơ sinh của các bà mẹ dùng vắc xin TIV.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo phụ nữ có thai nên tiêm vắc-xin phòng cúm 3 chủng bất hoạt (TIV) ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.

Khuyến cáo này dựa trên bằng chứng về nguy cơ và bằng chứng về sự an toàn của Vắc-xin cúm mùa trên các giai đoạn thai kỳ cũng như hiệu quả trên phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.

Còn vắc-xin IVACFLU-S có thể phòng được các chủng A/H1N1, A/H3N2, chủng B. Đối tượng sử dụng vắc-xin IVACFLU-S là người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Thời điểm tiêm ngừa tốt nhất là trước mùa dịch

Nhà sản xuất khuyến cáo không sử dụng vắc-xin IVACFLU-S cho người có tiền sử sốc phản vệ với IVACFLU-S.

Vắc-xin này cũng không được tiêm cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, dị ứng với protien trứng gà, thịt gà; Người có hội chứng Guilain Barre, rối loạn thần kinh

Người đang nhiễm trùng cấp tính, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; Người bị động kinh đang tiến triển, có tiền sử co giật; Người có cơ địa mẫn cảm nặng với các vắc-xin khác ( đã từng bị sốc phản vệ khi tiêm vắc-xin khác).

Từ nghiên cứu pha 2 cho thấy, phản ứng sau tiêm của IVACFLU-S hay gặp nhất là mệt mỏi, đau cơ, đau đầu nhưng nhẹ và không nghiêm trọng.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cum-a-tang-bat-thuong-thuoc-tamiflu-khan-hiem-tiem-vac-xin-la-can-thiet-d170298.html