Cụm cảng hàng hóa Phú Thọ được quy hoạch quy mô hơn 10 triệu tấn/năm
Phú Thọ sẽ ưu tiên cải tạo, nạo vét luồng, thanh thải đá ngầm trên các tuyến đường thủy nội địa sông Lô, sông Hồng, sông Đà.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, với phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, việc quy hoạch phát triển hệ thống đường thủy nội địa là một trong những nội dung chính được ưu tiên đầu tư.
Đường thủy của tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Địa phương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ưu tiên cải tạo, nạo vét luồng, thanh thải đá ngầm trên các tuyến đường thủy nội địa sông Lô, sông Hồng, sông Đà.
Đồng thời, nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa hiện có và đầu tư xây dựng mới một số cảng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, quy hoạch cụm cảng hàng hóa Phú Thọ quy mô khoảng 10,3 triệu tấn/năm, cụm cảng hành khách Phú Thọ quy mô khoảng 100 nghìn lượt hành khách/năm và quy hoạch một số đoạn, vị trí xây dựng bến, cụm bến hàng hóa, bến hành khách, bến khách ngang sông, bến phao.
Cụ thể, phát triển 8 cảng cho các tàu có trọng tải 1.000-3.000 tấn tại địa bàn thành phố Việt Trì, bao gồm các cảng thủy nội địa: Khánh Dư, Việt Trì, Hải Linh, Dữu Lâu, Kim Đức, Trường Phát, Lâu Thượng cùng các cảng thủy khác.
Với các khu cảng trên sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sẽ phát triển các cảng thủy nội địa cho tàu trọng tải cỡ 1.000 tấn gồm: Vụ Quang, Đoan Hùng, Ngọc Tháp, Trung Hà, Hoàng Phương, Tiên Du, Yến Mao cùng các cảng thủy nội địa khác trên địa bàn thị xã Phú Thọ và các huyện.
Tỉnh Phú Thọ cũng sẽ quy hoạch phát triển các cảng thủy nội địa chuyên dùng để phục vụ cho việc vận tải và hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của từng vùng.
Theo đó, quy hoạch cảng thủy nội địa cho các tàu có trọng tải 1.000 – 3.000 tấn gồm: Cảng thủy nội địa xăng dầu Hải Linh; Cảng thủy nội địa xăng dầu Phú Thọ (thành phố Việt Trì); Cảng thủy nội địa An Đạo (huyện Phù Ninh), và các cảng thủy nội địa khác trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Quy hoạch lưu ý, quy mô thực tế sẽ được tính toán trong quá trình đầu tư. Cùng đó, tên, diện tích và phạm vi ranh giới các tuyến sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
Để hỗ trợ vận tải, tỉnh Phú Thọ cũng sẽ phát triển hai cảng cạn là cảng cạn Hải Linh (thành phố Việt Trì – diện tích dự kiến 5ha) và cảng cạn Thụy Vân tại khu công nghiệp Thụy Vân (diện tích dự kiến 10ha). Ngoài ra, địa phương cũng lên kế hoạch phát triển một trung tâm logistics cấp vùng và hai trung tâm logistics cấp tỉnh.
Tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụm cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đều là các cảng cạn có kết nối vận tải đa phương thức.
Cảng cạn Hải Linh kết nối với đường bộ (gồm quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai), đường thủy nội địa (sông Lô, sông Hồng, sông Đuống) và đường sắt (tuyến Hà Nội – Lào Cai). Cảng cạn này được quy hoạch với năng lực thông qua đạt 65.000 Teu/năm (tới năm 2030).
Cảng cạn Thụy Vân cũng có kết nối mạng lưới giao thông tương tự, kết nối với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và cửa khẩu Lào Cai. Cảng cạn có năng lực thông qua tới năm 2030 đạt 50.000 Teu/năm.