Cụm công nghiệp cần cú huých 'xanh'

Đã đến lúc cụm công nghiệp cần được đầu tư, phát triển với tiêu chuẩn cao hơn, 'xanh' hơn, thậm chí là sinh thái để bắt kịp xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Đã có đơn vị tiên phong

Với mục tiêu tạo mặt bằng cho sản xuất công nghiệp nông thôn, cụm công nghiệp được các địa phương chú trọng thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển mạnh trong những năm qua.

Theo xu hướng tăng trưởng bền vững, các địa phương cũng bắt đầu triển khai xây dựng các cụm công nghiệp xanh, cụm công nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu.

Khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Quang Trung, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Quang Trung, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Được biết, tháng 8/2025, dự án cụm Công nghiệp Quang Trung (tỉnh Đồng Nai) sẽ khởi công. Đây là một trong hai cụm công nghiệp đầu tiên tại Đồng Nai được phát triển theo mô hình xanh, sinh thái, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Dự án hướng đến việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra khỏi khu vực đô thị, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Về hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp sẽ tích hợp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, xử lý tuần hoàn nước thải và khuyến khích mô hình cộng sinh công nghiệp, trong đó chất thải của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu cho doanh nghiệp khác.

Dự án được kỳ vọng không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống mà còn tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng đô thị.

Tại buổi làm việc với Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Quang Trung, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, chủ đầu tư sớm hoàn tất điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, rà soát và cập nhật thiết kế, quy hoạch xây dựng theo các tiêu chuẩn cụm công nghiệp xanh.

Hay tại tỉnh Ninh Bình, địa phương xác định, công nghiệp tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường. Với lợi thế, sau hợp nhất có nhiều làng nghề và nghề tiểu thủ công Ninh Bình định hướng phát triển mô hình cụm công nghiệp làng nghề sinh thái.

Theo đó, thay vì để các cơ sở làng nghề sản xuất phân tán, mô hình này sẽ tập trung hóa, tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, trưng bày, du lịch, đồng thời áp dụng công nghệ sạch như tuần hoàn nước, tiết kiệm năng lượng. Từ đó, vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo tồn văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

Các mô hình mới này đều nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa cụm công nghiệp trở thành không gian sản xuất đa chức năng, hỗ trợ cho công nghiệp lớn, đồng thời đảm bảo mục tiêu kép: Phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Ưu tiên chính sách cho phát triển cụm công nghiệp sinh thái

Phát triển cụm công nghiệp xanh, sinh thái đang là mục tiêu hướng tới hiện nay, nhất là khi yêu cầu về tăng trưởng bền vững kinh tế tuần hoàn đang dần trở nên bắt buộc. Tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng đề cập tới chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp phát triển theo hướng "xanh" hơn.

Với nhiều nghề truyền thống, tỉnh Ninh Bình có tiềm năng phát triển cụm công nghiệp làng nghề sinh thái. Ảnh: Nguyễn Ngọc Linh

Với nhiều nghề truyền thống, tỉnh Ninh Bình có tiềm năng phát triển cụm công nghiệp làng nghề sinh thái. Ảnh: Nguyễn Ngọc Linh

Trong đó, ngân sách địa hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống.

Về hỗ trợ hoạt động phát triển cụm công nghiệp, Chính phủ cũng ưu tiên nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định các mô hình phát triển cụm công nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường như: Cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm công nghiệp hỗ trợ và cụm công nghiệp sinh thái...

Phát triển cụm công nghiệp sinh thái không chỉ là tạo hạ tầng "xanh" cho sản xuất công nghiệp nông thôn. Kết quả thử nghiệm mô hình khu công nghiệp sinh thái cho thấy, các doanh nghiệp trong khu còn có thể cộng sinh phát triển, có nghĩa chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác. Ngoài bài toán về chi phí, lợi ích về môi trường cùng rất rõ rệt.

Tuy nhiên, cũng như khu công nghiệp sinh thái, hệ thống chính sách cho phát triển cụm công nghiệp sinh thái mới ở mức độ khung, do đó cần có hướng dẫn cụ thể cũng như những chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển các mô hình này. Đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và năng lực của các nhà đầu tư.

Trước hết, chính quyền địa phương sau sáp nhập địa giới hành chính được khuyến nghị cần khẩn trương rà soát, tích hợp lại quy hoạch phát triển cụm công nghiệp liên tỉnh để đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, gắn với chiến lược phát triển bền vững quốc gia và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ưu đãi đầu tư có chọn lọc là chìa khóa để thu hút các doanh nghiệp hạ tầng có năng lực thực sự. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thứ cấp, đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong các cụm công nghiệp về vốn, công nghệ, môi trường sản xuất để khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng và có giá trị gia tăng cao.

Phát triển mô hình cụm công nghiệp "xanh", cụm công nghiệp sinh thái không chỉ giúp tạo hạ tầng xanh cho công nghiệp nông thôn mà còn góp sức giúp ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu sản xuất tuần hoàn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cum-cong-nghiep-can-cu-huych-xanh-412073.html