Cúm mùa tăng, cách chăm sóc đúng khi mắc cúm
Bệnh cúm mùa tiếp tục gia tăng, nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng. Đây là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, đau mỏi cơ, đau đầu, ho khan, nghẹt mũi và mệt mỏi. Dù phần lớn bệnh nhân có thể tự hồi phục trong vài ngày, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, hoặc bội nhiễm vi khuẩn - thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ và người bệnh nền.
Cách chăm sóc người bị cúm
Cần nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc
Nếu chỉ bị bệnh cúm thường, bệnh nhân cần nghỉ ngơi. Cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh trong 5 ngày kể từ khi có biểu hiện cúm. Bệnh nhân có thể xông các lá thơm (như lá ngải cứu, lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, lá sả…).
Với người thân trong gia đình, khi có người trong gia đình mắc cúm cần cách ly bệnh nhân bị cúm càng nhiều càng tốt nếu có thể, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng biểu hiện, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Người bệnh cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió.
Bệnh nhân mắc cúm không nên rời khỏi nhà trong thời gian có khả năng lây nhiễm cho người khác nhiều nhất (5 ngày khi bắt đầu có triệu chứng bị cúm), trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cho những người khác.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn.
Theo dõi diễn biến của cúm
Dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc theo dõi diễn biến bệnh là rất quan trọng.
Trường hợp nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt liều lượng, tuổi tác theo chỉ định của thầy thuốc và tăng sức đề kháng bằng vitamin C.
Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của thầy thuốc (như paracetamol, cảm xuyên hương…) và uống vitamin C liều cao cần có tư vấn vì đối với những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng không được uống aspirin, APC, vitamin C.
Hằng ngày, người bệnh phải nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn. Bệnh nhân cần ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi…), nhất là với người cao tuổi, trẻ em. Không cho bệnh nhân ăn các thức ăn lạnh vì sẽ khiến bệnh lâu khỏi. Ngoài ra, nên cho bệnh nhân ăn các món ăn giải cảm như: Cháo tía tô, hành tím, gừng tươi cho bệnh nhân ăn khi nóng.
Bệnh nhân mắc cúm cần theo dõi sát sao, nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện, bởi cúm có thể gây các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
Theo đó, hãy đưa bệnh nhân cúm đến viện khi sốt cao liên tục, khó hạ, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Các trường hợp cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và bác sĩ là người quyết định có điều trị sớm bằng thuốc kháng virus. Việc theo dõi dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng.
Để phòng chống cúm, người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.
Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh. Đặc biệt, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm.
Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); Người trên 65 tuổi.