Cụm thi đua số 3 tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Chiều ngày 12/7, Cụm thi đua số 3, Công đoàn Viên chức TP.HCM đã tổ chức tọa đàm chuyên đề 'Kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai tác phẩm báo chí chất lượng cao dự thi giải báo chí các cấp' và Hội thi tìm hiểu kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
Nhiều tham luận nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí tham gia giải báo chí các cấp
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức TP.HCM; đại diện Ban giám khảo Giải Báo chí Quốc gia và TP.HCM; đại diện lãnh đạo và Công đoàn cơ sở các đơn vị thành viên của cụm và các công đoàn viên (khối nội dung) của cụm...
Tọa đàm chuyên đề của cụm nhằm trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong tổ chức các tuyến, vệt-loạt bài, phóng sự báo chí chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền và nhu cầu của bạn đọc. Ngoài ra, tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin, những lưu ý khi chọn tác phẩm gửi dự thi giải thưởng báo chí các cấp.
Nhà báo Phạm Văn Trường - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng, Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 cho rằng, mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM đều có những thế mạnh riêng của mình, có những tuyến bài, vệt-loạt bài công phu, đầu tư khối lượng chất xám cao. Trong bối cảnh các hình thức truyền thông đa phương tiện phát triển, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc đưa đến bạn đọc một cách nhanh, chính xác các vấn đề của đời sống, nhằm cổ vũ mặt tích cực, phê phán và hạn chế những mặt tiêu cực. "TP.HCM cũng phải đóng vai trò là "đầu tàu" trong tổ chức các các tuyến, vệt-loạt bài, phóng sự báo chí chất lượng cao để tham gia các giải báo chí của Thành phố cũng như các giải tầm vóc quốc gia".
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho rằng, chủ đề của buổi tọa đàm rất sát sườn với nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Thành phố trong năm nay, đó là triển khai các bài báo chí chất lượng cao, tham dự các giải lớn của Thành phố cũng như quốc gia. Việc nâng cao chất lượng các tin bài để tham gia các giải gắn liền với nhiệm vụ cải tiến, nâng cao chất lượng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí, nâng cao chất lượng tin bài để phục vụ nhu cầu của bạn đọc hàng ngày. "Các cơ quan báo chí của Thành phố cần phải có kế hoạch tác nghiệp, tin bài, cụ thể chi tiết theo từng giai đoạn để đầu tư kinh tế thỏa đáng cho các tin bài quan trọng, phân bổ phóng viên nghiệp vụ giỏi cho các tác phẩm đó; Bám sát chủ đề của giải theo từng năm để triển khai, đầu tư thêm vào các chủ đề có số lượng khiêm tốn tham gia hàng năm như bình luận, xã luận, phóng sự ảnh...".
Đã từng có 6 lần giành Giải Báo chí Quốc gia và 5 lần giành Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng), nhà báo Phạm Hoài Nam - Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh rằng, tính mới trong cả nội dung cũng như hình thức là tiêu chí hàng đầu để các tác phẩm có thể giành được giải thưởng cao. Người làm báo cần "đứng ra ngoài nhìn xa" để thấy được các góc nhìn mới của vấn đề, phản ánh, đưa đến bạn đọc những tin bài chất lượng.
Đại diện Công đoàn cơ sở Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cũng đã có nội dung chia sẻ tại tọa đàm với bài tham luận: "Kinh nghiệm tổ chức các tuyến bài chuyên đề và phỏng vấn chất lượng cao".
Với tôn chỉ mục đích là tờ báo đồng hành cùng doanh nhân, thời gian qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có nhiều bài viết chất lượng cao, đạt giải báo chí Thành phố, phản ánh nhiều mặt của đời sống kinh tế, hưởng ứng chủ trương đường lối chính sách của Chính phủ và TP.HCM, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân. Ngoài ra, nhiều tuyến bài đã phát hiện những tấm gương doanh nhân có ý tưởng sáng tạo, đột phá, có nhiều sản phẩm, sáng kiến mới không chỉ mang lại nhiều sản phẩm có giá trị, hữu ích cho cộng đồng, hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống người lao động mà còn đóng góp vào việc tuyên truyền đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, TP.HCM và nâng cao vai trò của báo chí Cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nhiều người thường cho rằng, viết một tác phẩm về nhân tố mới, doanh nhân, doanh nghiệp không khó so với các thể loại khác. Nhưng thực chất, viết chân dung doanh nhân theo thể loại phỏng vấn không dễ, vì sẽ dễ rơi vào PR truyền thông hoặc phản ánh một chiều theo ý kiến của người được phỏng vấn.
Để có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, trước hết, Tạp chí luôn có định hướng chỉ đạo từ Ban biên tập. Các chủ đề, tuyến bài được Ban biên tập theo dõi và phóng viên báo cáo và thực hiện bám sát chủ trương chung của Chính phủ, của TP.HCM và phản ánh đúng, sát, hơi thở của đời sống kinh tế và của doanh nhân, doanh nghiệp.
Nghề báo là phải đi - nghe - đọc - học - viết, tức là trước khi viết thì phải có kiến thức, nắm được vấn cần viết thì mới sáng tạo được tác phẩm báo chí chất lượng, kiểm định được thông tin trước khi đăng báo. Năng lực nghề nghiệp, khả năng tư duy, sáng tạo của nhà báo là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định tới chất lượng tác phẩm báo chí nên chúng tôi cũng thường xuyên có các buổi chiều thứ Hai để trao đổi nghiệp vụ và cập nhật kiến thức với phóng viên trẻ. Tạo điều kiện cho phóng viên đi thực tế tại doanh nghiệp, tham gia các Câu lạc bộ báo chí chuyên sâu như Câu lạc bộ phóng viên công thương, Câu lạc bộ phóng viên du lịch… để có điều kiện học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, trao đổi và tiếp cận thông tin trong lĩnh vực với doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Bên cạnh tuyến bài nhân tố mới, doanh nhân, doanh nghiệp, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cũng thực hiện nhiều tuyến bài phản ánh nguyện vọng, khó khăn của doanh nhân, cũng như những sáng kiến đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp, những chính sách chủ trương của Thành phố trong việc phát triển kinh tế, thông qua các buổi tọa đàm được tổ chức định kỳ một tháng hai lần. Điều này không chỉ gắn kết doanh nhân với Tạp chí mà còn tạo ra không gian chia sẻ cởi mở.
Ngoài ra, đại diện công đoàn cơ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Đài truyền hình TP.HCM... cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế trong hoạt động tổ chức, tác nghiệp các tuyến, vệt-loạt bài, phóng sự báo chí.
Hội thi tìm hiểu kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Cũng trong chiều 12/7, Công đoàn Viên chức TP.HCM đã tổ chức Hội thi tìm hiểu kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, với sự tham gia của hơn 100 công đoàn viên từ các công đoàn cơ sở của Cụm thi đua số 3.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP.HCM cho biết, năm 2024, Công đoàn Viên chức Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở, nhằm thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động các công ty tham gia. Hội thi nhằm tạo không khí phấn khởi, tích cực tham gia của đoàn viên, người lao động. Qua đó phát huy ý tưởng sáng tạo, tìm hiểu sâu về lịch sử hình thành, đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của Công đoàn Việt Nam, TP.HCM; quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Viên chức TP.HCM, tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Đại hội Công đoàn TPHCM lần thứ XI, Đại hội Công đoàn Viên chức TPHCM lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các Luật, văn bản, vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến đoàn viên, người lao động.
Kết thúc hội thi, Công đoàn Viên chức TP.HCM đã trao 1 Giải nhất, trị giá 1,5 triệu đồng và vòng nguyệt quế cho cá nhân xuất sắc và 3 giải khuyến khích, mỗi giải 500.000 đồng cho các thí sinh khác.
Đội thi của Công đoàn cơ sở Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có 6 công đoàn viên tham gia và có 1 công đoàn viên giành giải.