Cùng âu lo, phập phồng với đội U.22 Việt Nam
Trước trận ra quân, Một Thế Giới đã có bài 'U.22 Việt Nam sẽ thắng Lào, nhưng thắng thế nào đây?', và Việt Nam đã thắng Lào 2-0 nhưng thắng trong lo âu, phập phồng.
Khi tiền đạo Bùi Vĩ Hào - cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở V-League nhất - là một trong 3 cầu thủ cuối cùng bị loại khỏi danh sách đội tuyển U.22 VN tham dự SEA Games 32 – không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng. Nhưng nếu chúng ta theo dõi xuyên suốt 2 tháng trời chuẩn bị cho SEA Games, Vĩ Hào không phải là sự lựa chọn số 1 trên hàng công. Thậm chí Hào cũng không phải là sự lựa chọn số 2, nên Hào không được chọn, rõ ràng là HLV Philippe Troussier có lý do của riêng ông.
Hay như tiền vệ Nguyễn Văn Trường nổi tiếng với cú sút xa ghi bàn từ hơn 60m trong trận chung kết gặp Viettel và là cầu thủ quan trọng giúp Hà Nội vô địch U.19 quốc gia 2022, sau đó Trường tiếp tục khẳng định tài năng trong màu áo đội tuyển Việt Nam ở giải U.20 châu Á 2023, thế mà HLV Troussier lại xếp Trường lên trên cao đá tiền đạo dự bị (?).
Tương tự, hậu vệ biên Tuấn Tài nổi lên như là ngôi sao tương lai của BĐVN, chắc chắn trong phòng ngự, hiệu quả trong tấn công với những cú tạt bóng vào vùng cấm địa đối phương rất nguy hiểm, trong đó Tài đã có cú tạt tạo điều kiện cho Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 31. Thế mà HLV Troussier đã đưa Tài vào đá trung vệ.
Thậm chí hai niềm hy vọng là tiền vệ Khuất Văn Khang, trung phong Nguyễn Quốc Việt cũng không là sự lựa chọn ưu tiên của HLV Troussier.
Trên đây chỉ là 5 ví dụ trong không ít trường hợp HLV Troussier chọn người, dùng người khác biệt rất nhiều so với những gì trước đây chúng ta từng biết, từng hiểu rõ về sở trường, sở đoản của những chàng trai U.22 Việt Nam trong chiến dịch lập hat-trick huy chương vàng SEA Games 30, 31, 32!
Thực tế này phản ánh đúng nhất, rõ nhất về triết lý, về chiến lược mà HLV Troussier đã và đang xây dựng cho BĐVN hướng đến tấm vé có mặt ở vòng chung kết World Cup 2026.
Nói như HLV Troussier, ông muốn truyền đạt triết lý mới. Vậy đó là triết lý như thế nào?
Trước đây, đội tuyển Việt Nam ở các cấp độ đều áp dụng chiến thuật: tập trung phòng ngự, chủ động phản công nhanh khi có cơ hội. BĐVN đã thắng với đấu pháp này, nhưng chỉ thắng ở khu vực Đông Nam Á, khi bước ra châu Á, BĐVN thua rất nhiều khi vẫn áp dụng đấu pháp này.
Do vậy, theo HLV Troussier, BĐVN muốn vươn tầm châu Á phải thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận chơi bóng. Các cầu thủ cần tự tin hơn khi hướng về mục tiêu World Cup. Các tuyển thủ VN cần kiểm soát bóng nhiều hơn, triển khai tấn công từ thủ môn và phòng ngự từ tiền đạo.
"BĐVN có thể sẽ phải trả giá cho sự thay đổi để đi lên này", HLV Troussier chia sẻ như thế sau trận thắng Lào, và chúng ta hiểu được vì sao HLV Troussier nói rằng “Quan trọng là đội VN chiến thắng".
Nhưng HLV Troussier cũng rất thực tế khi ông nói là ông chỉ muốn nhớ đến kết quả, đồng thời ông đánh giá thủ môn Quan Văn Chuẩn là cầu thủ hay nhất.
Khi thủ môn được chọn là cầu thủ hay nhất trận đấu, thậm chí HLV Troussier còn nói thủ môn Chuẩn đã cứu mạng ông, rõ ràng câu nói của HLV Troussier không chỉ là bông đùa.
Trước đối thủ bị đánh giá kém hơn về nhiều mặt, thế mà đội VN không thể tạo được thế trận một chiều. Dù đội VN có tỷ lệ kiểm soát bóng nhỉnh hơn 56% so với 44% của Lào, nhưng số lần sút bóng vào khung thành đối phương ngang nhau và số đợt tấn công nguy hiểm của VN lại ít hơn Lào, 61 lần so với 67.
Thực tế trên sân cỏ phản ánh rất rõ: chiến thắng 2-0 với bàn thắng ấn định tỷ số chung cuộc ở phút bù giờ thứ 2 là chiến thắng nghẹt thở của đội VN. Tại sao?
Vì rằng trước đó nhiều lần các tuyển thủ Lào đã phối hợp rất nhuần nhuyễn, ăn ý và dễ dàng xuyên thủng bức tường phòng thù của đội VN. Thật tiếc, ít nhất có 3 cơ hội ghi bàn rất rõ nhưng các chân sút cùng những cú đánh đầu của các cầu thủ Lào không chuyển cơ hội thành bàn thắng do thủ môn Quan Văn Chuẩn quá xuất sắc.
Nếu đội Lào gỡ 1-1 thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi hiệp 2 các cầu thủ Lào chơi hay hơn, sung sức hơn so với đội VN không chỉ xuống sức mà còn có đến 3 cầu thủ bị vọp bẻ.
***
Dù sao đây mới chỉ là trận đầu tiên của giải đấu chính thức cũng đầu tiên của HLV Troussier. Mà đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, huống chi cái bóng thành tích 2 lần liên tiếp vô địch SEA Games sẽ càng khiến cho đoàn quân HLV Troussier thêm khó khăn. Đó là chưa tính đến HLV Troussier đang muốn các tuyển thủ VN thay đổi thói quen phòng ngự phản công qua kiểm soát bóng.
Có quá nhiều đổi mới dưới triều đại của HLV Troussier khiến không ít người hoài nghi. Dù sao thì đội Việt Nam cũng đã thắng, dù đó có là trận thắng vất vả trước đội yếu là Lào, nhưng dù sao cũng là động lực để đội VN đạt được mục tiêu đứng đầu hoặc thứ 2 sau vòng đấu bảng.
Khó khăn ngày càng chất chồng chờ đợi U.22 Việt Nam và chúng ta cùng nhau tiếp tục hy vọng trong âu lo, phập phồng khi 16 giờ ngày 3.5, đội Việt Nam sẽ gặp Singapore ở trận thứ 2, đối thủ đã thua Thái Lan 1-3 ở lượt đấu đầu tiên của vòng bảng
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cung-au-lo-phap-phong-voi-doi-u-22-viet-nam-197350.html