'Cùng bé thu gom vỏ hộp giấy'

Đó là chủ đề cuộc thi dành cho các trường tiểu học và mầm non trong khuôn khổ chương trình 'Tái chế học đường' tại Hà Nội. Cuộc thi được Tetra Pak - nhà cung cấp hộp giấy đựng đồ uống đến từ Thụy Điển phối hợp với Sở Tài Nguyên và môi trường, Sở giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội, Công ty Lagom và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phát động vào hôm nay (9.11).

Cuộc thi nằm trong chương trình “Tái chế học đường” được Tetra Pak triển khai liên tục từ năm học 2019-2020 đến nay. Năm học 2019–2020, chương trình "Tái chế học đường" đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa (tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp giấy) để đưa đi tái chế.

Mục tiêu của cuộc thi lần này là khuyến khích các em học sinh, thầy cô và các bậc phụ huynh cùng xây dựng thói quen phân loại, thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại trường học và gia đình để bảo vệ môi trường.

Chương trình "Tái chế học đường" đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa trong năm học vừa qua.

Theo đó, các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định để sau đó vỏ hộp sữa được thu gom và tái chế thành các vật dụng hữu ích khác.

Các trường học có thể chọn tham gia ít nhất một trong số ba cuộc thi do Tetra Pak tổ chức từ tháng 11.2020 đến hết tháng 1.2021, gồm: “Trường bé gom nhiều hộp giấy nhất” dành cho các trường có lượng vỏ hộp giấy thu gom cao nhất; “Góc thu gom sạch đẹp” dành cho các ý tưởng gấp và sắp xếp vỏ hộp sáng tạo, tiết kiệm không gian, trang trí và giữ gìn vệ sinh khu vực thu gom vỏ hộp ngăn nắp, gọn gàng nhất; “Nhà hùng biện tài ba” để các em học sinh tiểu học chia sẻ suy nghĩ của mình về việc phân loại rác tại nguồn tại nhà trường và gia đình.

“Chương trình Tái chế học đường bước đầu đã tạo thói quen phân loại vỏ hộp giấy tại trường cho gần 800.000 học sinh. Tuy nhiên chúng tôi mong muốn các em tiếp tục duy trì thói quen tốt này tại gia đình mình. Cuộc thi sẽ là cơ hội để các thầy cô và cha mẹ khuyến khích các em phân loại vỏ hộp giấy tại nhà, mang tới trường đưa đi thu gom và tái chế", bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc phụ trách Bền vững của Tetra Pak Việt Nam, chia sẻ.

Với mục tiêu trên, cuộc thi sẽ chia các trường thành 5 nhóm dựa trên số lượng học sinh gần tương đồng để đảm bảo không có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa các trường. Chính vì vậy chìa khóa để các trường giành chiến thắng trong cuộc thi thu gom vỏ hộp giấy sẽ nằm ở yếu tố khuyến khích học sinh mang vỏ hộp giấy sau khi sử dụng tại gia đình tới trường để đem đi tái chế.

Cuộc thi khuyến khích các em học sinh, thầy cô và phụ huynh xây dựng thói quen thu gom và phân loại vỏ hộp đồ uống giấy ở cả trường học và tại gia đình.

Cuộc thi khuyến khích các em học sinh, thầy cô và phụ huynh xây dựng thói quen thu gom và phân loại vỏ hộp đồ uống giấy ở cả trường học và tại gia đình.

Giải thưởng của cuộc thi là những chiếc máy lọc nước tự động uống liền do Tetra Pak và Tổ chức PRO Việt Nam tài trợ nhằm giúp các em học sinh được sử dụng nước uống sạch và an toàn trong thời gian vui chơi và học tập tại nhà trường.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đánh giá chương trình Tái chế học đường của Tetra Pak là một mô hình rất hiệu quả để làm giảm tác động của bao bì tới môi trường sinh thái. Chính vì vậy với sứ mệnh thu gom và tái chế bao bì tiêu dùng, PRO Việt Nam cam kết sẽ tập trung hỗ trợ Tetra Pak trong việc mở rộng chương trình này tới nhiều trường học và các thành phố khác trong năm tới đây.”

Được biết bên cạnh chương trình "Tái chế học đường", Tetra Pak hiện đang hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp xã hội, hội nhóm môi trường và nhà bán lẻ để mở rộng mạng lưới từ 30 điểm thu gom vỏ hộp giấy công cộng năm 2019 lên tới 56 điểm tại thời điểm hiện tại. Những điểm thu gom này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể dễ dàng mang vỏ hộp giấy đã qua sử dụng đến để đưa đi tái chế.

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cung-be-thu-gom-vo-hop-giay-26187.html